1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu hỏa Nhật Bản giả tiếng chó và hươu để ngăn động vật đến gần

(Dân trí) - Đây là một sáng chế mới của ngành đường sắt Nhật Bản nhằm giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm do tàu đâm xảy ra với loài hươu.

Tàu hỏa Nhật Bản giả tiếng chó và hươu để ngăn động vật đến gần - 1

Tàu hỏa trên khắp thế giới thường chỉ quan tâm đến việc đưa đón khách từ điểm A đến điểm B. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, có những tàu hỏa đặc biệt có thêm một đặc điểm kĩ thuật mới – khả năng sủa như chó và và kêu như hươu.

Điều này nghe rất kì quặc, nhưng có lí do thích đáng đằng sau chuyện này. Hươu thường chạy ngang qua đường sắt tàu hỏa và gây ra những vụ va chạm với những chiếc tàu hỏa đang đi đến. Do vậy, Viện nghiên cứu Kĩ thuật Đường sắt (RTRI) ở Nhật đã quyết định đặt ra một kế hoạch để giúp ngăn những con thú này đến gần đường ray.

Hươu vốn sợ chó và sẽ chạy trốn khi nghe tiếng chó sủa, nên đội nghiên cứu lựa chọn sử dụng tiếng chó sủa. Họ cũng sử dụng những đoạn ghi âm tiếng kêu báo động của loài hươu khi chúng cảnh cáo nhau chạy trốn khỏi nguy hiểm.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ý tưởng bằng cách sử dụng một thí nghiệm phát lại trong đó họ cho phát âm thanh khịt mũi của một con hươu trong 3 giây, sau đó là tiếng chó sủa trong 20 giây. Thí nghiệm này được tiến hành trên những đoàn tàu thường chạy vào sáng sớm và đêm khuya – khoảng thời gian hươu chạy qua đường ray nhiều nhất.

Thật thú vị là, khi âm thanh được phát, đoàn tàu phát hiện ra hươu khoảng 7,5 lần mỗi 100km, số lần nhìn thấy hươu đã giảm 45%.


Tàu hỏa Nhật Bản.

Tàu hỏa Nhật Bản.

Việc đâm phải hươu là vấn đề lớn ở Nhật Bản, không chỉ gây ra sự chậm trễ, mà còn khiến hươu chết. Trên thực tế, năm 2016 có 613 vụ tàu hỏa bị ngưng tạm thời hoặc phải hoãn lại do hươu.

Theo một báo cáo trước đây, một trong những lí do hươu đến gần đường ray tàu hỏa là vì chúng liếm đường ray để bổ sung chất sắt cho chế độ ăn.

Trong quá khứ, người ta từng thử rất nhiều phương pháp để giữ loài hươu tránh xa khỏi đường sắt. Vật cản gồm dây thừng, đèn đỏ, và cả phân sư tử, nhưng không cách nào có hiệu quả.

Một viên chức thuộc RTRI nói với tờ báo Nhật The Asahi Shimbum rằng: “Nếu thiết bị mới của chúng tôi có hiệu quả, ta sẽ không cần lắp đặt các thiết bị chống đột nhập ở nhiều địa điểm. Chúng tôi hi vọng có thể hoàn tất nó thành một hệ thống hoạt động được ở vùng núi và những nơi mà các công ty đường sắt muốn mở rộng đến”.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)