Tại sao quạt bám bụi rất nhanh sau một thời gian sử dụng?

Minh Khôi

(Dân trí) - Trời nắng nóng khiến bạn bật quạt không ngừng, và chợt nhận ra chúng như một "cục nam châm hút bụi". Vì sao bụi lại dễ bám vào quạt và các thiết bị làm mát như vậy?

Tại sao quạt bám bụi rất nhanh sau một thời gian sử dụng? - 1
Bụi bám trên cánh quạt và lồng quạt (Ảnh: Recommend).

Mùa hè nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như quạt điện, điều hòa... tăng cao. Thế nhưng khi sử dụng các thiết bị này, bạn phát hiện ra rằng chúng rất dễ bị bám bụi ở phần cánh quạt, khung sắt, lưới lọc... Thậm chí, mức độ bám bụi còn nhiều hơn đáng kể so với mặt bàn, mặt tủ…

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra bám bụi ở các thiết bị làm mát là do sự tích điện nằm ở khu vực cánh quạt, và một số bộ phận khác như lưới lọc tại điều hòa.

Lý giải nguyên nhân bụi bám trên quạt điện (Video: Sưu tầm).

Ở quạt điện, cánh quạt quay liên tục tạo ra lực ma sát với không khí, gây tích điện, đồng thời tạo ra lực hút đối với những vật thể nhỏ và nhẹ bay trong không khí như bụi, vi khuẩn, nấm mốc...

Vì lý do này, sau một thời gian sử dụng, bụi và các chất ô nhiễm sẽ bị bám dính vào thiết bị.

Bên cạnh đó, những hạt bụi lơ lửng trong không khí cũng luôn mang theo điện tích. Khi thiết bị làm mát hoạt động, chúng cũng sinh ra điện tích bằng việc cọ xát với các phân tử trong không khí.

Điều này tước đi các electron, khiến bụi mang điện tích trái dấu, và bị hút vào những bộ phận của quạt gió, đặc biệt là phần rìa cánh quạt và lồng quạt...

Tại sao quạt bám bụi rất nhanh sau một thời gian sử dụng? - 2
Bụi bám trên lưới lọc điều hòa (Ảnh: Recommend).

Đối với điều hòa, tình trạng tương tự cũng xảy ra, nhưng cơ chế hơi khác so với quạt điện. Theo đó, nguyên tắc hoạt động của điều hòa đó là liên tục hút không khí trong phòng, đẩy chúng thông qua bộ phận trao đổi nhiệt để làm mát, rồi thổi ra ngoài qua bộ lọc.

Trong quá trình hoạt động, các chất ô nhiễm bao gồm bụi, vi khuẩn, nấm mốc gây dị ứng... bám vào quạt gió dàn lạnh, và bị giữ lại một phần ở lưới lọc. Phần còn lại được thổi trở lại căn phòng.

Nếu hít vào cơ thể, những chất ô nhiễm này có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp hoặc các bệnh nghiêm trọng khác.