Schiaparelli đã ra đi – bị vỡ tan trên bề mặt sao Hỏa
(Dân trí) - Thay vì hạ xuống bề mặt bằng các động cơ đẩy, tàu đổ bộ Schiaparelli của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã đáp xuống khá mạnh và có thể đã bị phát nổ khi tiếp đất. Các bức ảnh của Tàu trinh sát sao Hỏa Mars Reconnaissance Orbiter của NASA chụp vị trí hạ cánh đã xác định các dấu vết mới trên bề mặt của hành tinh đỏ và cho rằng đó là chiếc tàu đổ bộ xấu số.
Schiaparelli đã đi vào bầu khí quyển của sao Hỏa lúc 14:42 giờ GMT ngày 19/10 và bắt đầu 6 phút hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa, tuy nhiên con tàu đã bị mất liên lạc 1 thời gian ngắn trước khi dự kiến đáp xuống sau khi bung dù. Một ngày sau đó, tàu Tàu trinh sát sao Hỏa Mars Reconnaissance Orbiter đã chụp được các bức ảnh của khu vực dự kiến sẽ hạ cánh.
Một trong các điểm nổi bật có màu sáng và có thể liên hệ tới chiếc dù có đường kính 12m được sử dụng ở bước thứ 2 trong lúc hạ cánh của tàu Schiaparelli. Chiếc dù và tấm chắn đã được mở ra trước khi tiến vào bước cuối cùng, trong khi đó 9 động cơ đẩy của tàu sẽ làm nó chậm lại và dừng lại ngay trên bề mặt.
Một điểm nổi bật khác là điểm tối mờ hoặc có thể là 1 miệng núi lửa có kích thước 15x40 m nằm cách vị trí của chiếc dù khoảng 1km về phía bắc. Nó được cho là miệng núi lửa tạo ra do tác động của các mô-đun sau khi rơi tự do vì các động cơ đẩy đã bị tắt sớm.
Đội điều hành nhiệm vụ này tính toán rằng Schiaparelli đã rơi từ độ cao 2 – 4 km, và đập vào bề mặt sao Hỏa ở vận tốc hơn 300km/h. Điểm đen có thể là do các vật chất trên bề mặt bị xáo trộn, hoặc cũng có thể là tác động của tàu đổ bộ khi phát nổ, vì dường như các bình chứa nhiên liệu cho các động cơ đẩy vẫn còn đầy. ESA cảnh báo rằng những phát hiện này vẫn còn rất sơ bộ.
Vì quỹ đạo hạ cánh của mô-đun đã được quan sát ở 3 vị trí khác nhau, nhóm điều hành cho rằng họ có thể sẽ tái tạo lại chuỗi sự kiện đã xảy ra với độ chính xác lớn. Hiện họ vẫn chưa biết chính xác điều gì xảy ra làm cho các động cơ đẩy bị tắt sớm.
Schiaparelli đã được phóng hồi tháng 3 vừa rồi cùng với Tàu Trace Gas Obiter (TGO). 2 tàu vũ trụ này là phần đầu tiên trong 2 giai đoạn của chương trình ExoMars – chương trình hợp tác giữa ESA và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga.
Theo nguồn tin chính thức từ ESA, trong khi tàu Schiaparelli vượt qua bầu khí quyển của sao Hỏa vào buổi sáng ngày thứ 4, TGO đã đốt 1 động cơ để thực hiện 139 phút đi vào quỹ đạo xung quanh sao Hỏa. Động cơ này cũng đã ra đi sau đó, và TGO hiện đang quay quanh hành tinh này trên 1 quỹ đạo hình elip với chu kỳ 4,2 ngày.
TGO hiện đang trong tình trạng tốt và sẽ bắt đầu hiệu chỉnh các dụng cụ khoa học của nó vào tháng tới. Đầu năm sau, nó sẽ bắt đầu chuyển sang quỹ đạo khoa học cuối cùng – 1 quỹ đạo hình tròn cách bề mặt sao Hỏa khoảng 400 km. TGO sẽ đạt được quỹ đạo này vào tháng 3/2018 và ngay sau đó sẽ chính thức bắt đầu nhiệm vụ khoa học kéo dài trong 2 năm.
Mục tiêu chính của nhiệm vụ này là tìm ra nguồn gốc của khí mê-tan và các loại khí khác trong bầu khí quyển của Hành tinh đỏ. Khí mê-tan được các nhà sinh vật học vũ trụ quan tâm đặc biệt vì loại khí này là 1 dấu hiệu tiềm năng của sự sống.
Anh Thư (Tổng hợp)