5 điều cần biết về tàu thăm dò Schiaparelli
(Dân trí) - Sau nhiều tháng du hành trong không gian, tàu thăm dò Schiaparelli của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cuối cùng cũng đang dần hạ cánh xuống bề mặt của sao Hỏa. Vào chiều Chủ nhật vừa rồi, tàu đổ bộ này đã tách khỏi phi thuyền mẹ và bắt đầu giảm dần vận tốc để hạ cánh xuống Hành tinh Đỏ.
Trong khi sao Hỏa vốn là 1 khu vực nghiên cứu phổ biến cho các rô-bốt thực hiện nhiệm vụ của NASA- chẳng hạn như tàu thăm dò Curiosity, nếu Schiaparelli thành công, đó sẽ là tàu thăm dò đầu tiên của châu Âu hoạt động trên sao Hỏa. Schiaparelli sẽ vào vị trí để thực hiện bước hạ cánh cuối cùng vào thứ 4 tuần này, và sau đây là 5 điều cần biết về nhà thám hiểm sao Hỏa mới nhất này:
Schiaparelli là ai?
Tàu đổ bộ Schiaparelli được đặt theo tên của 1 nhà thiên văn học người Ý từ thế kỷ 19 tên là Giovanni Schiaparelli. Trong suốt những năm 1800, các nhà thiên văn học đã bắt đầu chế tạo những chiếc kính viễn vọng ngày càng lớn, những chiếc kính này giúp họ có thể quan sát vũ trụ ở tít xa hơn bao giờ hết. Theo NASA cho biết, là giám đốc của Đài quan sát Brera ở Milan, Schiaparelli đã hướng ống kính của mình để quan sát sao Hỏa và ông là người đầu tiên bắt tay vào lập bản đồ bề mặt của hành tinh này.
Khi Schiaparelli nghiên cứu Hành tinh Đỏ, ông đã phát hiện ra các đặc điểm về các vệt giống như các hào sâu ở trên bề mặt. Khi đó, Schiaparelli đã gọi những vệt này là “canali” – có nghĩa là kênh rạch. Đôi khi những vệt này bị hiểu sai theo nghĩa kênh rạch thực sự, dẫn đến rất nhiều giả thuyết về việc chúng được tạo thành bởi bàn tay con người – điều này đã thúc đẩy nền khoa học viễn tưởng trong hơn 1 thế kỷ. Đến những năm 1970, các phát hiện của Schiaparelli cuối cùng đã bị bác bỏ khi tàu đổ bộ Viking của NASA không tìm thấy dấu vết nào của các kênh rạch hoặc thậm chí là 1 lòng sông cổ đại nào. Tuy nhiên, tên của ông vẫn mãi tồn tại trong các cuốn sách về lịch sử.
Ai đang thực hiện nhiệm vụ?
Hầu hết các tàu thăm dò sao Hỏa đã hạ cánh thành công lên bề mặt của người hàng xóm gần gũi với chúng ta nhất trong hệ Mặt trời đều do NASA thiết kế, xây dựng và vận hành. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất quan tâm đến việc tìm hiểu sâu hơn về Hành tinh Đỏ. Tàu thăm dò Schiaparelli là 1 nửa của nhiệm vụ ExoMars – một sự hợp tác giữa ESA và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, nửa nhiệm vụ còn lại là “tàu mẹ” đã đưa tàu đổ bộ vào vị trí đầu tiên. Trong khi tàu đổ bộ hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa, Tàu vũ trụ Trace Gas Orbiter của ExoMars sẽ tiếp tục bay vòng quanh hành tinh này để thu thập dữ liệu về bầu khí quyển và truyền dữ liệu về Trái Đất.
Tại sao lần hạ cánh này lại là 1 vấn đề lớn?
Năm 2003 là lần cuối cùng ESA cố gắng hạ cánh tàu Beagle 2 xuống sao Hỏa và bị thất bại. Tương tự với tàu đổ bộ Schiaparelli và Tàu vũ trụ Trace Gas Orbiter, phi thuyền Beagle 2 do Anh thiết kế đã được chở tới Hành tinh Đỏ bằng con tàu Mars Express. Tuy nhiên, sau khi tách khỏi tàu mẹ để đáp xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày lễ Giáng Sinh, Beagle 2 đã biến mất và không phát ra bất cứ tín hiệu nào nữa. Vào thời điểm đó, nhiệm vụ này là một nỗi xấu hổ lớn của ESA và là 1 vết đen trong chương trình thăm dò sao Hỏa của cơ quan này.
Thách thức lớn nhất của nhiệm vụ này là gì?
Bên cạnh thực tế rằng ESA chưa bao giờ hạ cánh thành công 1 tàu thăm dò nào lên sao Hỏa, nhiệm vụ này sẽ phải đối mặt với những thử thách lớn về cách Schiaparelli đối phó với thời tiết của Hành tinh Đỏ. Nó sẽ không chỉ phải đối mặt với bầu khí quyển hoạt động dữ dội trên sao Hỏa, mà có thể sẽ còn phải trải qua những thời điểm rất khó khăn trong quãng đời ngắn ngủi trên hành tinh này. Tuần trước, một nhóm các nhà nghiên cứu về thời tiết sao Hỏa của Mỹ đã thông báo rằng, hành tinh này không chỉ có những cơn bão bụi đến chậm trải rộng trên khắp hành tinh, mà cơn bão này có thể sẽ bắt đầu vào đầu tuần này. Trong khi các nhà khoa học đứng sau Schiaparelli cho biết con tàu này có thể xử lý cả những cơn bão bụi lớn, thì họ vẫn không thể chắc chắn cho đến khi điều đó thực sự xảy ra.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Nhiệm vụ của tàu đổ bộ Schiaparelli khá khiêm tốn: chỉ để chứng minh rằng nó hoạt động. Sau khi tách rời khỏi tàu mẹ thành công vào chiều Chủ nhật, hy vọng là Schiaparelli sẽ hạ cánh 1 cách êm ả xuống sao Hỏa để thu thập dữ liệu về thời tiết trong vài ngày, trước khi pin gắn trên bo mạch của nó cạn năng lượng. Nếu Schiaparelli tiếp đất thành công, nó sẽ mở đường tương lai cho các tàu đổ bộ mạnh mẽ hơn để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống trên Hành tinh Đỏ.
Anh Thư (Theo Smithsonianmag)