Tàu thăm dò của Châu Âu tìm kiếm sinh vật có trí thông minh trên hành tinh đỏ

(Dân trí) - Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phóng 1 tàu đổ bộ để hạ cánh trên bề mặt sao Hỏa nhằm tìm kiếm bất cứ khu vực nào có dấu hiệu của sự sống trên hành tinh này.

Tàu thăm dò có tên là Schiarparelli đã tách khỏi tàu mẹ vào ngày 16/10 và đã bắt đầu kiểm soát được quá trình hạ cánh. Giám đốc bay của chương trình ExoMars – Michel Denis cho biết “Chúng tôi có thể xác nhận rằng mô-đun của Schiaparelli đã phân tách rất tốt”

Các mô-đun hạ cánh sẽ đáp xuống bề mặt sao Hỏa vào thứ 4. Nếu thành công, cuộc hạ cánh này của Schiaparelli và Tàu quỹ đạo Trace Gas Orbiter (TGO) sẽ đánh dấu giai đoạn đầu thành công của dự án ExoMars đầy tham vọng. Đây là dự án tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống đã từng tồn tại trên sao Hỏa.

Hình ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Schiaparelli (phải) thuộc dự án ExoMars tách khỏi tàu mẹ Trace Gas Orbiter. ExoMars 2016 là nhiệm vụ hợp tác giữa Cơ quan vũ trụ Châu Âu và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga.
Hình ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Schiaparelli (phải) thuộc dự án ExoMars tách khỏi tàu mẹ Trace Gas Orbiter. ExoMars 2016 là nhiệm vụ hợp tác giữa Cơ quan vũ trụ Châu Âu và cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga.
Tàu Schiaparelli tách khỏi tàu mẹ
Tàu Schiaparelli tách khỏi tàu mẹ
Hình ảnh mô phỏng về tàu đổ bộ đang trên đường tới bề mặt sao Hỏa
Hình ảnh mô phỏng về tàu đổ bộ đang trên đường tới bề mặt sao Hỏa

Schiaparelli sẽ chụp ảnh sao Hỏa và tiến hành các phương pháp đo đạc khoa học trên bề mặt, tuy nhiên mục đích chính của tàu đổ bộ này là thử nghiệm công nghệ cho 1 tàu thăm dò sao Hỏa trong tương lai.

Tàu mẹ của Schiaparelli – Trace Gas Orbiter vẫn sẽ ở lại trên quỹ đạo, phân tích khí mê-tan và các loại khí khác trong bầu khí quyển của sao Hỏa để giúp cho việc xác định liệu có sự sống trên sao Hỏa hay không.

Khí mê-tan được tạo ra bởi các hoạt động địa chất hoặc sinh học và bị phá vỡ trong 1 thời gian tương đối ngắn khi tiếp xúc với bầu khí quyển.

Để hạ cánh 1 tàu vũ trụ lên bề mặt sao Hỏa là rất khó khăn. Lần gần đây nhất khi ESA cố gắng hạ cánh tàu thăm dò Beagle 2 lên sao Hỏa là cuối năm 2003 và đã thất bại. Vài tháng sau khi biến mất trong quá trình hạ cánh, Beagle 2 đã được tuyên bố đã bị mất tích.

Cho tới tháng 1/2015, nó mới được định vị khi những bức ảnh mới từ 1 tàu thăm dò cho thấy Beagle 2 đã chạm tới bề mặt nhưng bị thất bại trong việc triển khai hoàn toàn và bắt đầu tiếp xúc.

Tàu đổ bộ sẽ sử dụng một tấm chắn nhiệt, 1 chiếc dù lớn và các động cơ đẩy. ESA cho biết, thứ 4 này, Schiaparelli sẽ đi vào bầu khí quyển với tốc độ 20.921 km/h trước khi bị giảm tốc độ do bầu khí quyển kéo lại, và sau đó sẽ bung dù và các động cơ đẩy để hạ cánh xuống Meridiani Planum – 1 khu vực rộng lớn trên sao Hỏa, đây cũng là nhà của tàu thăm dò Opportunity của NASA.

Con tàu nặng 577kg này sẽ thu thập dữ liệu trong quá trình hạ cánh và hoạt động trên bề mặt sao Hỏa trong vài ngày. Tàu đổ bộ mang các cảm biến được thiết kế để đo tốc độ và hướng gió, độ ẩm, nhiệt độ và điện trường.

Trong giai đoạn tiếp theo của chương trình ExoMars, ESA dự kiến sẽ gửi 1 tàu thăm dò tới sao Hỏa vào năm 2020, tàu này sẽ được trang bị các mũi khoan và dụng cụ dành riêng để nghiên cứu về địa hóa học và tìm kiếm sự sống.

Các nhà khoa học đã từng vui mừng 1 thời gian về triển vọng tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, kể cả là các vi sinh vật, tuy nhiên cho đến giờ vẫn chưa hề phát hiện được sự sống trên hành tinh này.

Khả năng có sự sống trên “Hành tinh đỏ” – bức ảnh đã làm các nhà khoa học vui mừng trong nhiều năm
Khả năng có sự sống trên “Hành tinh đỏ” – bức ảnh đã làm các nhà khoa học vui mừng trong nhiều năm

Schiaparelli đã vượt qua 496 triệu km trong không gian trong kéo dài 7 tháng xuất phát từ Trái đất.

Tiến sĩ - nhà khoa học vũ trụ Stephen Lewis – đồng phụ trách nhóm nghiên cứu sẽ nhận các dữ liệu từ các cảm biến kỹ thuật của tàu thăm dò trong quá trình hạ cánh cho biết: “Việc hạ cánh trên sao Hỏa luôn là 1 nỗ lực hết sức nguy hiểm, nhất là vì sao Hỏa có 1 bầu khí quyển và thời tiết đầy biến động. Hiểu được bầu khí quyển trên sao Hỏa hiện này và khí hậu trên sao Hỏa đã thay đổi như thế nào là 1 phần quan trọng của việc tìm hiểu xem liệu có phải hành tinh này đã từng có 1 môi trường phù hợp với sự sống và hỗ trợ cho những hiểu biết về khí hậu của Trái đất”

ESA sẽ phát sóng trực tiếp quá trình đến đích của TGO và Schiaparelli trên mạng internet vào ngày thứ 4, bắt đầu lúc 15:44 giờ GMT và chương trình sẽ kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Phần hai sẽ tiếp tục phát sóng lúc 18:25 GMT và kéo dài trong 2 giờ đồng hồ.

Anh Thư (Tổng hợp Dailymail, Space)