Proxima Centauri có thể giống với mặt trời nhiều hơn chúng ta nghĩ

(Dân trí) - Tháng 8 vừa qua, các nhà thiên văn đã công bố trong khu vực có thể có sự sống của hệ sao Proxima Centauri, có 1 hành tinh mang kích cỡ tương tự Trái đất (hành tinh này được gọi là Proxima b). Các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, ngôi sao này giống với Mặt trời đến mức đáng kinh ngạc: nó cũng có 1 chu kỳ các vết sao đều đặn


Hình ảnh mô phỏng về trong lòng 1 ngôi sao có khối lượng thấp. Những ngôi sao như vậy thường có cấu tạo bên trong khác với Mặt trời của chúng ta, vì vậy, chúng thường được cho rằng sẽ không có các chu kỳ hoạt động của từ trường. Tuy nhiên, các nhà thiên văn đã phát hiện rằng ngôi sao Proxima Centauri nằm cạnh chúng ta lại không đi theo khả năng đó và cho thấy các dấu hiệu của 1 chu kỳ hoạt động 7 năm (Ảnh: NASA/CXC/M.Weiss)

Hình ảnh mô phỏng về trong lòng 1 ngôi sao có khối lượng thấp. Những ngôi sao như vậy thường có cấu tạo bên trong khác với Mặt trời của chúng ta, vì vậy, chúng thường được cho rằng sẽ không có các chu kỳ hoạt động của từ trường. Tuy nhiên, các nhà thiên văn đã phát hiện rằng ngôi sao Proxima Centauri nằm cạnh chúng ta lại không đi theo khả năng đó và cho thấy các dấu hiệu của 1 chu kỳ hoạt động 7 năm (Ảnh: NASA/CXC/M.Weiss)

Tháng 8 vừa qua, các nhà thiên văn đã công bố trong khu vực có thể có sự sống của hệ sao Proxima Centauri, có 1 hành tinh mang kích cỡ tương tự Trái đất (hành tinh này được gọi là Proxima b). Thoạt nhìn, Proxima Centauri dường như không có vẻ gì giống với Mặt trời của chúng ta. Đó là một ngôi sao lùn đỏ lạnh, nhỏ và chỉ có khối lượng bằng 1/10 và phát sáng bằng 1 phần nghìn so với Mặt trời. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, ngôi sao này giống với Mặt trời đến mức đáng kinh ngạc: nó cũng có 1 chu kỳ các vết sao đều đặn.

Các vết sao (cũng giống như vệt đen ở Mặt trời) là các vệt tối trên bề mặt của 1 ngôi sao, nhiệt độ ở đó lạnh hơn so với khu vực xung quanh. Chúng được tạo ra bởi từ trường. Một ngôi sao được tạo thành từ các chất khí bị ion hóa được gọi là thể plasma. Từ trường có thể hạn chế luồng plasma và tạo nên các vết. Sự thay đổi từ trường của 1 ngôi sao có thể ảnh hưởng đến số lượng và phân bố của các vết sao.

Mặt trời của chúng ta có chu kỳ hoạt động là 11 năm. Lúc năng lượng mặt trời yếu nhất, Mặt trời gần như không có vệt đen nào. Khi năng lượng mặt trời mạnh nhất, trung bình thường có hơn 100 vệt đen che phủ 1 khu vực nhỏ hơn < 1% diện tích bề mặt của Mặt trời.

Nghiên cứu mới này đã phát hiện rằng Proxima Centauri trải qua 1 chu kỳ tương tự kéo dài trong 7 năm từ điểm yếu nhất đến đỉnh mạnh nhất. Tuy nhiên, chu kỳ này xảy ra kịch tích hơn nhiều so với Mặt trời. Ít nhất 1/5 bề mặt của ngôi sao này bị che phủ bởi các vết đen.Ngoài ra, theo tỷ lệ về kích thước của ngôi sao, một số vệt đen lớn hơn nhiều so với các vệt đen trên Mặt trời của chúng ta.

Tác giả chính của nghiên cứu này, Brad Wargelin hiện công tác tại Trung tâm về vật lý học thiên thể Smithsonian Center for Astrophysics (CfA) của Đại học Harvard, cho rằng “nếu có người ngoài hành tinh đang sinh sống trên Proxima b, họ có thể sẽ có cách nhìn rất kịch tính.

Các nhà thiên văn hết sức ngạc nhiên khi phát hiện có 1 chu kỳ hoạt động sao ở Proxima Centauri, bởi vì cấu tạo bên trong của nó được cho rằng khác xa so với Mặt trời.

Ở mặt trời, 1/3 phía ngoài chuyện động đối lưu, tương tự như đun sôi nước trong nồi, trong khi phần còn lại bên trong vẫn đứng yên. Có 1 sự khác biệt về tốc độ quay giữa 2 khu vực này. Nhiều nhà thiên văn học cho rằng, sự khác biệt này tạo ra chu kỳ hoạt động từ trường của Mặt trời.

Ngược lại, phần bên trong của các ngôi sao lùn đỏ nhỏ giống như Proxima Centauri có thể đối lưu theo mọi hướng đến tận lõi của ngôi sao. Kết quả là, ngôi sao đó sẽ không có chu kỳ hoạt động đều đặn.

Ông Jeremy Drake – đồng tác giả của nghiên cứu này phát biểu “chúng ta thường cho là mình đã hiểu về cách từ trường của 1 ngôi sao được tạo ra, tuy nhiên sự tồn tại của 1 chu kỳ ở Proxima Centauri cho thấy chúng ta vẫn chưa hiểu được điều này”.

Nghiên cứu này không giải thích được liệu chu kỳ hoạt động của Proxima Centauri có ảnh hưởng tới khả năng có sự sống của Proxima b hay không. Giả thuyết cho rằng, các vết sáng hoặc gió của ngôi sao đều có thể bị từ trường điều khiển và có thể lướt qua hành tinh này rồi tước đi bầu khí quyển của nó. Trong trường hợp này, Proxima b có thể giống với Mặt trăng của Trái đất – nằm trong khu vực có thể sinh sống được nhưng lại không hề thân thiện với sự sống.

Một đồng tác giả khác của nghiên cứu này, ông Steve Saar phát biểu “Trong 1 thời gian dài tới đây, có thể chúng ta vẫn chưa quan sát trực tiếp được Proximab. Cho tới lúc đó, việc tốt nhất là nghiên cứu Proxima Centauri và sau đó kết hợp thông tin đó vào các lý thuyết về mối tương tác giữa ngôi sao và hành tinh.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện chu kỳ hoạt động này từ các quan sát trên mặt đất của dự án All Sky Automated Survey, kết hợp với các phương pháp đo tia X trong không gian bởi 1 số nhiệm vụ như Swift, Chandra và XMM-Newton.

Anh Thư (Theo Phys)