Hành tinh Proxima b có thể có đại dương bao phủ
(Dân trí) - Theo như tuyên bố mới đây từ các nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu CNRS của Pháp, hành tinh đá được phát hiện trong khu vực “có thể có sự sống” của hệ sao nằm gần mặt trời của chúng ta nhất này có thể được bao phủ bởi đại dương.
Một nhóm nghiên cứu gồm các nhà thiên văn học thuộc viện CNRS đã tính toán kích thước và các thuộc tính bề mặt của hành tinh Proxima b, và kết luận rằng hành tinh này có thể là “một hành tinh đại dương” tương tự như Trái đất.
Vào tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học đã công bố về sự phát hiện hành tinh Proxima b, và cho rằng đó có thể là một hành tinh ngoại hành tinh đầu tiên nằm bên ngoài Hệ Mặt trời mà một ngày nào đó sẽ được viếng thăm bởi các rô-bốt từ Trái đất.
Quỹ đạo của hành tinh này nằm trong khu vực ôn đới của ngôi sao chủ Proxima Centauri – cách chúng ta khoảng 4 năm ánh sáng. Nhiệt độ bề mặt của hành tinh này là khoảng -90 độ C đến 30 độ C
Hành tinh này được ước tính rằng có khối lượng khoảng 1,3 lần Trái đất, và cách ngôi sao chủ của nó khoảng 7,5 triệu km – bằng khoảng 1/10 so với khoảng cách từ sao Thủy đến Mặt trời.
Kích thước của một ngoại hành tinh thường được tính bằng cách đo lượng ánh sáng phát ra khi chúng đi qua phía trước ngôi sao chủ từ góc độ quan sát ở Trái đất.
Nhưng hiện vẫn chưa có quan sát nào về quá cảnh của Proxima b, vì thế nhóm nghiên cứu đã dựa trên các mô phỏng để đánh giá cấu tạo và bán kính của hành tinh này.
Họ tính toán bán kính của hành tinh này là khoảng 0,94 – 1,4 lần bán kính Trái đất , trung bình là 6.371km.
Giả sử, bán kính tối thiểu của hành tinh này là 5.990km, hành tinh này sẽ rất dày đặc và có lõi kim loại chiếm tới 2/3 khối lượng của toàn bộ hành tinh, và được bao quanh bởi một lớp vỏ bằng đá. Nếu có nước, nó sẽ chiếm tới không quá 0,05% khối lượng của toàn hành tinh – tương tự như Trái đất (trên Trái đất, nước chiếm 0,02% khối lượng toàn hành tinh).
Còn ở kịch bản hành tinh này lớn hơn, với bán kính khoảng 8.920km, Proxima b sẽ được phân chia theo tỷ lệ 50 – 50 là ở trung tâm là đá và có nước bao quanh. “Trong trường hợp này, Proxima b sẽ được bao phủ bởi một đại dương lỏng duy nhất sâu 200km”.
Trong cả 2 trường hợp, đều có thể có một bầu khí quyển mỏng chứa các chất khí bao xung quanh hành tinh này – giống như trên Trái đất, khiến cho Proxima b có thể là nơi phù hợp với sự sống”.
Proxima b sẽ trông như thế nào: Từ trái sáng phải: Proxima b với bán kính nhỏ nhất (lõi kim loại chiếm 65% và được bao phủ bởi lớp vỏ đá), Trái đất (lõi kim loại chiếm 32,5%), và Proxima b với kích thước lớn nhất (lớp đá nằm ở giữa chiếm 50% và được bao quanh bởi 1 lớp nước ở dạng lỏng)
Anh Thư (Tổng hợp)