1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tìm thấy Trái Đất phiên bản 2.0 có thể phù hợp với sự sống

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tìm thấy Trái Đất phiên bản 2.0 có thể phù hợp với sự sống và có khoảng cách đủ gần để thực hiện các nhiệm vụ không gian ở đó. Hành tinh đá có thể có người ngoài hành tinh đang sinh sống này chỉ cách Trái Đất 4 năm ánh sáng, có nghĩa là người Trái Đất có thể đến đó trong một tương lai không xa.

Thế giới mới này chỉ hơi lớn hơn Trái Đất một chút và quay xung quanh ngôi sao chủ là Proxima Centauri, đây là ngôi sao nằm gần hệ mặt trời của chúng ta nhất. Như vậy, nó sẽ là đối tượng để nghiên cứu và tìm hiểu dễ dàng nhất trong bất kỳ “Trái Đất thứ hai” nào mà chúng ta đã phát hiện được. Và nó dường như hoàn toàn có đủ điểu kiện để trở thành một ngôi nhà cho sự sống ngoài trái đất.

Hành tinh được gọi là Proxima b này có khoảng cách đủ gần để các thế hệ tàu vũ trụ trong tương lai có thể đi đến đó và mang theo những rô-bốt thăm dò. Thậm chú, nó còn đủ gần để có thể trở thành một ngôi nhà mới cho người Trái Đất.

Các nhà khoa học hy vọng có thể khám phá hành tinh này nhiều hơn để cố gắng tìm kiếm sự sống trên đó. Hành tinh này có quỹ đạo nằm trong khu vực có thể sinh sống được của mặt trời của nó, có nghĩa là có thể nó nằm đúng trong khu vực phù hợp với sự sống.

Tiến sĩ Guilem Anglada – Escude từ trường Đại học Queen Mary, London – người đứng đầu của nhóm nghiên cứu bao gồm khoảng 30 nhà thiên văn quốc tế - cho biết: “Đây là một kinh nghiệm để đời của những thành công thu được trong quá trình tìm kiếm những hành tinh giống trái đất bên ngoài hệ mặt trời mà có khoảng cách gần nhất, và đã cho thấy sự cống hiến và đam mê của rất nhiều các nhà nghiên cứu quốc tế. Chúng tôi hy vọng những phát hiện này sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ trong tương lai để tiếp tục nghiên cứu hành tinh này. Tiếp theo sẽ là công cuộc tìm kiếm sự sống trên Proxima b”.

Đây là hình ảnh mô tả của các nhà khoa học về hành tinh Proxima b, quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri – ngôi sao nằm gần hệ mặt trời nhất. Ngôi sao đôi Alpha Centauri AB xuất hiện trong bức hình này ở vị trí giữa Proxima b và ngôi sao chủ. (Ảnh: ESO/M. Kornmesser)
Đây là hình ảnh mô tả của các nhà khoa học về hành tinh Proxima b, quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri – ngôi sao nằm gần hệ mặt trời nhất. Ngôi sao đôi Alpha Centauri AB xuất hiện trong bức hình này ở vị trí giữa Proxima b và ngôi sao chủ. (Ảnh: ESO/M. Kornmesser)

Proxima b nằm gần ngôi sao chủ của nó hơn chúng ta. Nó chỉ mất 11,2 ngày để hoàn thành một quỹ đạo và khoảng cách đến ngôi sao chủ chỉ khoảng 7,5 triệu km, bằng 5% khoảng cách của trái đất đến mặt trời. Kết quả là nó luôn quay hướng một mặt về ngôi sao chủ của nó, cũng giống như mặt trăng chỉ hướng một mặt về phía Trái đất. Nhưng vì ngôi sao chủ của nó có độ sáng kém hơn mặt trời rất nhiều, nên hành tinh này vẫn nằm trong khu vực có thể có sự sống – có thể có nước trên hành tinh này, và kết quả là nó có thể có sự sống.

Tuy nhiên, có một vấn đề với tiềm năng sự sống của Proxima b. Đó là ngôi sao chủ của nó phát ra rất nhiều các tiacực tím và tia X-quang mạnh mẽ tới các hành tinh của nó, vì thế nếu có bất kỳ sự sống nào trên đó thì rất khó để tìm thấy và cũng phải đủ mạnh mẽ để có thể chống lại các bức xạ đó.

Minh họa của các nhà khoa học về bề mặt của Proxima b (Ảnh: ESO/M. Kornmesser)
Minh họa của các nhà khoa học về bề mặt của Proxima b (Ảnh: ESO/M. Kornmesser)

Các nhà khoa học đã nghiên cứu Proxima Centauri trong một thời gian dài. Bởi vì khoảng cách gần gũi nên nó được các nhà khoa học quan tâm nhiều và do đó, nó là một trong những ngôi sao có khối lượng thấp được nghiên cứu nhiều nhất.

Hành tinh Proxima b đã được tìm thấy bằng cách quan sát các dữ liệu thu thập được từ các phép đo Doppler do kính viễn vọng thiên văn European Southern Observatory thực hiện từ năm 2000 đến 2014, một số khác được thực hiện trong năm 2016. Các dữ liệu Dopler cho phép các nhà khoa học nghiên cứu các chuyển động nhỏ của ngôi sao chủ, mà kết quả là ảnh hưởng đến lực hấp dẫn của các hành tinh quay xung quanh.

Những dữ liệu này dường như cho thấy những điều mà các nhà khoa học đã phán đoán về hành tinh mới này: đó là một hành tinh ấm áp, có kích thước gần giống như Trái Đất.

Hình ảnh của bầu trời xung quanh ngôi sao sáng Alpha Centauri AB cũng cho thấy sự mờ nhạt của ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri (Ảnh: Digitaized Sky Survey 2)
Hình ảnh của bầu trời xung quanh ngôi sao sáng Alpha Centauri AB cũng cho thấy sự mờ nhạt của ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri (Ảnh: Digitaized Sky Survey 2)

Đồng tác giả của nghiên cứu này – Tiến sĩ John Barners từ Đại học Open cho biết: “Nếu những nghiên cứu sâu hơn cũng kết luận rằng các điều kiện về khí quyển của hành tinh này cũng phù hợp để phát triển sự sống, thì đây sẽ là khám phá khoa học quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện. Nhưng mà sự sống đó có thể sẽ đến rất lâu sau khi chúng ta đã qua đời.”

Nhà nghiên cứu Artie Hatzes đã viết trong một bài báo “Proxima Centauri sẽ tồn tại lâu hơn vài trăm hoặc vài nghìn lần so với Mặt trời của chúng ta. Bất kỳ sự sống nào có trên hành tinh đó cũng vẫn có thể phát triển rất lâu sau khi Mặt trời của chúng ta chết đi”. Mặt trời đã tồn tại 4,6 tỉ năm, Proxima Centauri thì khoảng 4,9 tỉ năm.

Anh Thư (Tổng hợp)