1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Phóng thành công sứ mệnh kéo dài 8 năm tới Sao Mộc

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh JUICE được phóng thành công vào tối ngày 14/4. Tàu du hành sẽ chạm tới quỹ đạo của Sao Mộc vào tháng 7/2031, tức hơn 8 năm kể từ thời điểm hiện nay.

Phóng thành công sứ mệnh kéo dài 8 năm tới Sao Mộc - 1

Tên lửa Ariane 5 trong sứ mệnh JUICE của ESA cất cánh thành công ngày 14/4 (Ảnh: ESA/Getty Images).

Vào lúc 19h14 tối 14/4 (theo giờ Việt Nam), tàu vũ trụ Jupiter Icy Moons Explorer (gọi tắt: JUICE) thuộc sứ mệnh cùng tên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã được phóng thành công lên bầu trời thành công tại Sân bay vũ trụ Châu Âu ở Kourou, Guiana, Pháp.

Đây là sứ mệnh có mục tiêu khám phá 3 trong số 4 mặt trăng chính của Sao Mộc, hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời. Trước đó vào ngày 13/4, buổi phóng tàu JUICE đã bị hoãn 1 lần do thời tiết xấu xảy ra tại khu vực.

Sai số chỉ là 1 giây

Theo ESA, sứ mệnh JUICE có lịch trình phóng chặt chẽ hơn so với hầu hết các tàu vũ trụ khác, vì nó sẽ phải cất cánh vào đúng 1 khoảng thời gian trong ngày, với sai số chỉ là 1 giây. Nói cách khác, tàu JUICE cùng tên lửa đẩy Ariane 5 sẽ chỉ có 1 giây để bắt đầu thực hiện quá trình phóng lên khỏi mặt đất.

Nếu như bỏ lỡ khoảnh khắc này, sứ mệnh sẽ buộc phải dời lại sang ngày khác, vào đúng khung thời gian đó.

Phóng thành công sứ mệnh kéo dài 8 năm tới Sao Mộc - 2

Buổi phóng tàu JUICE có lịch trình chặt chẽ hơn so với hầu hết các sứ mệnh khác (Ảnh: ESA).

Sở dĩ phải làm như vậy là bởi JUICE sẽ bay ngang qua Sao Kim, Mặt Trăng và chính Trái Đất một lần nữa trong hành trình của mình để có lộ trình bay tối ưu, với tốc độ và quỹ đạo bay được đảm bảo.

Để làm như vậy, 3 thiên thể nêu trên phải xếp cùng một đường thẳng. Điều này chỉ xảy ra duy nhất 1 giây đồng hồ mỗi ngày, lặp lại trong tháng 4 và tháng 8/2023.

Sứ mệnh lịch sử kéo dài 8 năm

Theo dự kiến, tàu thám hiểm trong sứ mệnh JUICE sẽ chạm tới quỹ đạo của Sao Mộc vào tháng 7/2031, tức hơn 8 năm kể từ thời điểm hiện nay.

Tại đây, hệ thống tiếp tục dành khoảng 3 năm rưỡi để di chuyển xung quanh hành tinh này, đồng thời khám phá 3 trong số 4 mặt trăng chính của Sao Mộc, gồm: Europa, Ganymede và Callisto.

Trong đó, Ganymede và Callisto là 2 mục tiêu lớn nhất của sứ mệnh, vì đây được cho là nơi có khả năng tồn tại sự sống cao nhất.

Phóng thành công sứ mệnh kéo dài 8 năm tới Sao Mộc - 3

Tàu vũ trụ Jupiter Icy Moons Explorer (JUICE) của ESA được các kỹ sư kiểm tra kỹ lưỡng, trước khi thực hiện nhiệm vụ cùng tên lửa Ariane 5 vào ngày 13/4 (Ảnh: ESA).

Theo ESA, tàu JUICE sẽ hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt với mức bức xạ cao, tạo thành bởi sự kết hợp giữa từ trường cực mạnh của Sao Mộc và các hạt tích điện phát ra từ hành tinh và mặt trăng núi lửa gần nó.

Do ảnh hưởng của bức xạ, những nhà thiết kế tàu vũ trụ đã phải giấu phần lớn các thiết bị điện tử quan trọng bên trong 2 hầm lót chì. Về cơ bản, nó giống như một boong-ke hạt nhân thu nhỏ, được đặt trên tàu.

Tuy nhiên, điều này vẫn không tránh khỏi việc các tấm pin mặt trời của tàu bị xuống cấp rất nhanh do mức độ phóng xạ cao.

Để tránh tàu JUICE trở thành một mảnh rác không gian mất kiểm soát, ESA có kế hoạch sẽ hạ cánh tàu xuống bề mặt của mặt trăng Ganymede khi nó hoàn thành xong công việc của mình.

Vì sao lại là Sao Mộc?

Sở dĩ các nhà khoa học quan tâm nhiều đến mặt trăng của Sao Mộc là bởi chúng dường như chứa đựng những đại dương nước lỏng khổng lồ ẩn dưới lớp vỏ băng dày hàng chục km.

Trong số những đại dương này, hoàn toàn có thể tồn tại một hoặc nhiều điều kiện thuận lợi cho các dạng sống cơ bản.

Dẫu vậy, ngay cả khi JUICE chưa thể tìm thấy bằng chứng về sự sống trên các mặt trăng của Sao Mộc, sứ mệnh này vẫn sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự tồn tại của môi trường thích hợp cho sự sống ở bên ngoài Trái Đất.

Phóng thành công sứ mệnh kéo dài 8 năm tới Sao Mộc - 4

Sao Mộc cùng 4 mặt trăng của nó còn tồn tại nhiều bí ẩn chưa thể giải đáp, trong đó có những thắc mắc liên quan đến khả năng chứa đựng sự sống (Ảnh: Getty).

Nếu sứ mệnh diễn ra thuận lợi, đây sẽ là cột mốc mới của nhân loại, với việc một tàu vũ trụ lần đầu tiên di chuyển xung quanh một mặt trăng không phải của Trái Đất.

Trước đây, chỉ có 2 tàu vũ trụ từng quay quanh Sao Mộc, là tàu thăm dò Galileo (1995 - 2003) và tàu Juno, bắt đầu hành trình từ năm 2016.

Sứ mệnh Galileo đã thành công khi tìm thấy bằng chứng cho thấy các đại dương nước lỏng có thể tồn tại bên dưới lớp băng của ba trong số bốn mặt trăng chính của Sao Mộc, gồm Europa, Ganymede và có thể là Callisto.

Sứ mệnh phát hiện ra rằng Ganymede là mặt trăng duy nhất trong Hệ Mặt Trời có sở hữu từ trường riêng, và các cơn bão xảy ra trong bầu khí quyển của Sao Mộc có thể nhiều hơn Trái Đất.

Trong khi đó, tàu thăm dò Juno hiện đang trong hành trình mở rộng của sứ mệnh, đã có nhiều khám phá chi tiết hơn về cơn bão này. Sứ mệnh cũng phát hiện ra rằng Sao Mộc có thể tồn tại một lõi kim loại nặng bên dưới lớp khí dày đặc.

Dẫu vậy, nhiều câu hỏi về Sao Mộc và các vệ tinh của nó vẫn chưa được giải đáp. Đặc biệt là những thắc mắc liên quan đến khả năng chứa đựng sự sống của một số thiên thể nằm trong hệ thống này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm