NASA sẽ thay thế thứ gì cho ISS, sau khi phá hủy nó vào năm 2030?

Phạm Hường

(Dân trí) - Vào một thời điểm thích hợp trong thập kỷ tới, Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ rời khỏi quỹ đạo và rơi xuống Thái Bình Dương.

NASA sẽ thay thế thứ gì cho ISS, sau khi phá hủy nó vào năm 2030? - 1

Trạm Vũ trụ quốc tế trong không gian (Ảnh: dimazel/Adobe).

Đây là kế hoạch mà NASA dự kiến để kết thúc "sự nghiệp" của trạm vũ trụ già nua đã giúp chúng ta quan sát và nghiên cứu không gian suốt hơn 20 năm qua. Nhưng sau đó, NASA sẽ lấy gì để thay thế cho cơ sở hoạt động này? Kế hoạch hiện nay có lẽ còn chờ vào những công ty hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu không gian.

NASA không dự định phóng một trạm vũ trụ khác lên quỹ đạo, hay ít nhất là theo cách mà ISS đã hoạt động trước đây. ISS vốn là một hoạt động hợp tác của nhiều quốc gia cùng chung mục tiêu khám phá không gian, còn trong tương lai NASA hy vọng sẽ sử dụng các trạm vũ trụ thương mại để thay thế ISS.

Kế hoạch khổng lồ này đã được vạch ra khá đầy đủ trên Tạp chí Smithsonian (tạp chí của Viện Smithsonian, một tổ chức bao gồm các bảo tàng, cơ sở nghiên cứu phức hợp nhất thế giới của Mỹ), trong đó có những hoạt động hợp tác của NASA với các công ty như Axiom Space, công ty vừa chế tạo bộ quần áo vũ trụ mới nhất cho các phi hành gia của NASA, để tiếp tục nghiên cứu không gian sau khi ISS không còn hoạt động nữa.

Tất nhiên, một nội dung quan trọng mà các công ty này rất quan tâm là phải thiết lập được một mạng lưới chắc chắn những khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ của họ.

Nếu NASA muốn sử dụng các trạm vũ trụ thương mại để thay cho ISS, họ cần tìm cách đảm bảo rằng những công ty thương mại vũ trụ có đầy đủ cơ sở để đưa các trạm đó vào không gian. Đến đây, vấn đề trở nên phức tạp hơn, khi mà câu hỏi phát sinh là bao nhiêu trạm vũ trụ có thể quay quanh Trái Đất cùng một lúc. Hiện nay trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc vẫn đang hoạt động và nhiều nước khác cũng muốn đưa trạm vũ trụ của mình lên quỹ đạo.

Bên cạnh những trạm vũ trụ quốc gia, còn có những công ty tư nhân đang nỗ lực để tạo ra các trạm vũ trụ của riêng mình. Mỗi công ty lại có kế hoạch tiếp cận khác nhau, vì thế NASA hoàn toàn có cơ hội chọn được những phương án hợp tác tốt để thay thế cho ISS.

Tất nhiên, NASA vẫn đang có nhiều công việc quan trọng khác, ví dụ như chế tạo tàu vũ trụ Gateway để đưa lên quỹ đạo Mặt Trăng sau khi phóng thành công Artemis II và Artemis III vào cuối thập kỷ này.

Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, NASA sẽ không gặp khó khăn gì trong việc thay thế ISS bằng các trạm vũ trụ khác. Tất nhiên, tất cả những điều này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của Nga liên quan đến ISS cho đến khi trạm này ngừng hoạt động vào năm 2030. Nếu Nga ngừng hoạt động trên ISS sớm thì việc phá hủy ISS cũng xảy ra sớm hơn, vì Nga chịu trách nhiệm cho một số hoạt động quan trọng hiện nay của ISS.