Lý do khiến NASA chưa thể đưa con người quay lại Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh Artemis-2 của NASA sẽ chỉ dừng lại ở việc đưa phi hành đoàn bay quanh quỹ đạo của Mặt Trăng, dù họ đã từng hạ cánh thành công rất nhiều lần trước đây.

Lý do khiến NASA chưa thể đưa con người quay lại Mặt Trăng - 1

NASA vẫn chưa sẵn sàng để đưa con người quay lại Mặt Trăng (Ảnh minh họa: Space).

Sau thành công của Artemis-1, NASA đã ngay lập tức triển khai kế hoạch cùng Artemis-2, dự kiến phóng vào tháng 11/2024. Trong sứ mệnh này, NASA đưa phi hành đoàn gồm 4 người bay vòng quanh Mặt Trăng rồi trở lại Trái Đất.

Câu hỏi là tại sao chúng ta không trực tiếp hạ cánh luôn lên Mặt Trăng, mà phải đợi trải qua rất nhiều thử nghiệm, dù con người đã thành công với điều này từ sứ mệnh Apollo 11 vào năm 1969?

Theo Space, sở dĩ có sự cẩn trọng này là bởi NASA đang thử nghiệm một loạt các công nghệ, hệ thống phóng và quy trình mới đối với thế hệ Artemis-2, cũng như Artemis-1.

Nhiều công nghệ trong số này chưa từng được áp dụng trong môi trường du hành vũ trụ thực tế. Nhằm tránh những sai sót có thể xảy ra, cơ quan này sẽ cần thu thập dữ liệu để hoàn thiện quy trình phóng, cũng như hạ cánh.

Ngoài ra, nhiều yếu tố phần cứng cần thiết để đưa con người lên bề mặt của Mặt Trăng vẫn chưa được hoàn thiện.

Trong đó bao gồm tên lửa tái sử dụng Starship của SpaceX được NASA chọn làm tàu đổ bộ Mặt Trăng theo chương trình Artemis, đến nay thậm chí chưa thực hiện chuyến bay thử nghiệm trên quỹ đạo quanh Trái Đất.

Các yếu tố như bộ đồ chuyên dụng, máy bay thám hiểm thế hệ mới, hệ thống phần cứng, phần mềm, bao gồm nhiều thao tác và quy trình... cũng chưa hoàn thiện và đáp ứng được yêu cầu để hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng.

Lý do khiến NASA chưa thể đưa con người quay lại Mặt Trăng - 2

Đồ họa phác thảo các giai đoạn khác nhau của nhiệm vụ Artemis-2, dự kiến được thực hiện vào năm 2024 (Ảnh: NASA).

Nhìn chung, toàn bộ sứ mệnh Artemis-2 sẽ chỉ đóng vai trò như bài test ở cấp độ cao dành cho tên lửa Hệ thống Phóng Không gian (SLS) và tàu vũ trụ Orion.

Điều khác biệt là lần này, cùng với sự góp mặt của phi hành đoàn trên cabin, Artemis-2 sẽ giúp NASA đánh giá chuẩn xác các hệ thống lấy con người làm trung tâm của tàu Orion, như hỗ trợ sự sống, thông tin liên lạc và điều khiển.

"Mức độ bức xạ của môi trường không gian sâu xung quanh Mặt Trăng mạnh hơn nhiều lần so với khu vực quỹ đạo thấp của Trái Đất, nơi có Trạm vũ trụ quốc tế", ông Mike Sarafin, Giám đốc sứ mệnh Artemis của NASA lý giải. "Do đó, chúng tôi cần đánh giá kỹ lưỡng về khả năng của Orion để giữ cho các phi hành gia an toàn và khỏe mạnh trong suốt hành trình".

Ông cho biết sứ mệnh Artemis-2 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng đáp ứng của SLS và Orion trong việc triển khai các nhiệm vụ ở không gian sâu, mà cụ thể là mục tiêu đưa con người từ Mặt Trăng tới Sao Hỏa trong tương lai.