Phát hiện tình trạng triệu chứng Covid-19 lưu lại lâu dài ở trẻ em
(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ Ý, Anh và Nga đã theo dõi nghiên cứu sự hiện diện và thời gian tồn tại các triệu chứng COVID-19 ở trẻ em sau khi khỏi bệnh.
Nghiên cứu do bác sĩ Piero Valentini thuộc Viện nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu (Rome) dẫn đầu đã thu thập thông tin của 129 người bệnh dưới 18 tuổi. Số trẻ em trai và gái xấp xỉ bằng nhau, độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 11 tuổi.
Bốn tháng sau khi bắt đầu nhiễm bệnh, 42% số trẻ đã bình phục hoàn toàn, chỉ hơn một phần ba phàn nàn về một hoặc hai dấu hiệu của bệnh, và khoảng một phần tư cho biết cơ thể lưu lại nhiều hơn ba triệu chứng.
Người bệnh thường bị mất ngủ, đau tức ngực, nghẹt mũi, đau mỏi cơ và khớp. Mỗi triệu chứng được ghi nhận tồn tại ở từ 6% đến 18% trẻ em là đối tượng nghiên cứu.
Ngoài ra, một phần mười số trẻ được hỏi cho biết các cháu khó tập trung chú ý. Thông thường, các triệu chứng vẫn còn lưu lại ở những người bị bệnh ở thể nặng, nhưng chúng cũng xảy ra ở những người mắc bệnh không có triệu chứng.
Theo ông Roman Zinovkin, một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử Đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov cho biết, các triệu chứng hoàn toàn có khả năng bị phóng đại, đặc biệt khi người trả lời các câu hỏi về tình trạng sức khỏe của trẻ là cha mẹ của các em.
Ông cho rằng những lo lắng về tình trạng của trẻ bị bệnh sẽ kích thích cha mẹ các em chú ý đến bất kỳ biểu hiện vụn vặt nào, chính vì vậy nên mới có một bức tranh "Long Covid" (hiện tượng triệu chứng lưu lại lâu dài sau khi khỏi bệnh Covid) đáng sợ như vậy.
"Có thể thu được bức tranh khách quan hơn bằng cách so sánh tình trạng của trẻ đã khỏi bệnh sau Covid-19 và một loại bệnh đường hô hấp khác do virus gây ra, ví dụ như bệnh cúm ở trẻ em", chuyên gia này giải thích.
Tuy nhiên, các tác giả của bài báo đã nêu lên một chủ đề quan trọng: triệu chứng "Long Covid" ở người lớn được biết đến nhiều, nhưng hầu như lại không có thông tin về tình trạng này ở trẻ em.