1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Phát hiện thấy siêu khuẩn Salmonella trong mèo nhà ở Úc

(Dân trí) - Một chủng mới của vi khuẩn hình que salmonella có khả năng đề kháng với nhiều loại thuốc điều trị đang làm các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể lây lan sang người hoặc gia súc.

Một loại siêu khuẩn salmonella được tìm thấy trong một con mèo nhà ở Sydney đã làm các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể lây nhiễm sang người và gia súc.
Một loại siêu khuẩn salmonella được tìm thấy trong một con mèo nhà ở Sydney đã làm các chuyên gia lo ngại rằng nó có thể lây nhiễm sang người và gia súc.

Một con mèo cảnh đã được các bác sĩ thú y kết luận bị nhiễm trùng dạ dày và phát hiện trong cơ thể nó có loài khuẩn này, đây là loại vi khuẩn có khả năng kháng lại 1 số loại thuốc, bao gồm cả các loại thuốc nhóm carbapenem – nhóm thuốc kháng sinh có phổ kháng khuẩn rộng nhất hiện nay.

Tiến sĩ Sam Abraham, hiện công tác tại Đại học Murdoch – đơn vị dẫn đầu nhóm nghiên cứu đánh giá về các rủi ro do loài khuẩn này gây ra – cho biết “đây là lần đầu tiên có báo cáo về việc trong các động vật nuôi ở Úc phát hiện một chủng salmonella có sức đề kháng với hầu hết các loại thuốc kháng sinh. Đây là một mối lo ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.”

“Nguyên nhân khiến cho loại vi khuẩn này trở thành một siêu khuẩn là nó đã có được một đoạn ADN mang lại sức đề kháng siêu mạnh - kháng được khoảng 90% nhóm thuốc mà chúng ta thường sử dụng để điều trị cho người và động vật”.

Salmonella là một loại vi khuẩn ở đường ruột gây ngộ độc thực phẩm, nó gây ra các triệu chứng như nôn, buồn nôn và tiêu chảy trong khoảng một tuần. Các loại thịt lợn, thịt gia cầm, cá và trứng sống và một số loại sản phẩm khác là các nguồn điển hình của loại vi khuẩn này. Trong một số trường hợp, Salmonella có thể lây lan từ ruột vào trong máu và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Các ổ dịch mới này nằm trong các cơ sở thú y ở Sydney, và cho đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào về vi khuẩn này lây sang người. Tuy nhiên, khi kiểm tra 8 con mèo ở các cơ sở thú y về loại siêu khuẩn này, có 3 con đã mang loại siêu khuẩn này, trong đó có 2 con không hề có tiếp xúc trực tiếp với con mèo bệnh. Theo tiến sĩ Abraham, việc lây lan là 1 vấn đề lớn, nếu loại vi khuẩn kháng thuốc này lan ra ngoài các cơ sở thú y thì sẽ tác động đến con người và các động vật khác.

Tiến sĩ Richard Malik, hiện công tác tại Đại học Sydney, và là thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Nguy cơ bùng nổ của dịch bệnh này được kiềm chế rất tốt, tuy nhiên những kết quả từ các con mèo khác cho thấy rằng loại vi khuẩn này có khả năng lây lan rất cao”

Tiến sĩ Abraham cho biết, trường hợp gần nhất có khả năng kháng thuốc mạnh như vậy ở Úc là ở một bầy mòng biển ngoài khơi New South Wales. Ông không chắc chắn về việc các con chim đó đã bị nhiễm bệnh như thế nào, và nhóm nghiên cứu của ông cũng không loại trừ khả năng trong môi trường tự nhiên cũng có một loại vi khuẩn mang sức đề kháng mạnh như vậy.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh về tính chất hiếm hoi của chủng vi khuẩn salmonella mới này trong tự nhiên.

Tiến sĩ Darren Trott, công tác tại Đại học Adelaide phát biểu “Khả năng đề kháng cao bất thường của vi khuẩn rất hiếm gặp ở động vật. Trong một cuộc khảo sát toàn quốc mới đây, các nhà điều tra không tìm thấy kháng thể chống lại carbapenem trong vi khuẩn ở cả gia súc hoặc các vật nuôi làm bạn với con người. Các chủng này đã xuất hiện trong các động vật ở châu Á, vì vậy cần phải đề phòng chủng vi khuẩn này ở Úc. Con mèo này chắc hẳn đã có một cuộc sống không may mắn và khá khó khăn trước khi nhập viện”

Anh Thư (Theo Seeker, Abc)