1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Vệt trắng bí ẩn "xé toạc" bầu trời đêm

Minh Khôi

(Dân trí) - Một vệt sáng trắng kỳ lạ bất ngờ xuất hiện, cắt ngang bầu trời đêm, xuất hiện trong thời điểm diễn ra cực quang, khiến giới quan sát và người dân địa phương không khỏi kinh ngạc.

Vệt trắng bí ẩn xé toạc bầu trời đêm - 1

Vệt sáng kỳ lạ được nhiếp ảnh gia ghi lại trên bầu trời tại bang Colorado, Mỹ, đêm 17/5 (Ảnh: Mike Lewinski).

Đêm 17/5 vừa qua, cư dân tại các bang Colorado, New Mexico và Kansas của Mỹ đã bất ngờ chứng kiến một vệt sáng trắng kỳ lạ kéo dài, nổi bật giữa cực quang hồng và tím trên bầu trời.

Hiện tượng xảy ra trong bối cảnh Trái Đất đang hứng chịu cơn bão địa từ cấp độ G2, do phun trào khối lượng vành nhật hoa (CME) từ Mặt Trời ngày 12/5.

Ban đầu, các chuyên gia nhận định CME không ảnh hưởng tới Trái Đất. Tuy nhiên, cấu trúc lan rộng "cánh chim" của CME đã chạm tới từ trường Trái Đất ngày 16/5, tạo ra bão từ và cực quang tại các vĩ độ thấp.

Điều thu hút sự chú ý không chỉ là cực quang mà còn là vệt sáng trắng bí ẩn, xuất hiện như "xé toạc" bầu trời.

Nhiếp ảnh gia Mike Lewinski ghi lại quá trình đêm đó. Ông chia sẻ: "Khi cực quang xuất hiện phía bắc, một luồng sáng trắng mạnh, như vệt phóng tên lửa tái nhập khí quyển, bất ngờ hiện ra từ trên cao xuống đường chân trời".

Sau đó, hiện tượng cũng được ghi nhận tại New Mexico và Kansas. Đầu tiên, nhiều người đoán rằng đây là hiện tượng STEVE - dạng phát sáng khí quyển hiếm khi đi kèm cực quang. Tuy nhiên, chuyên gia nhanh chóng bác bỏ.

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian xác nhận đó là tầng trên tên lửa Zhuque-2E của Trung Quốc, phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền.

Tên lửa trang bị nhiên liệu methane đã đưa 6 vệ tinh vào quỹ đạo, gồm radar và tải trọng khoa học không gian.

McDowell cho biết, tầng trên của tên lửa bay ngang "Four Corners" (giao điểm bốn bang miền Tây nước Mỹ) ở độ cao khoảng 250 km. Nhiên liệu sót lại tạo ra vệt sáng trắng nổi bật dễ quan sát.

Trước đây, các vụ phóng của SpaceX cũng từng để lại đường xoáy sáng hoặc vệt khói xoắn ốc trên cao, gây nhầm lẫn cho người quan sát không quen biết hoạt động vũ trụ.

Theo www.space.com