1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Tắm sáng hay tối tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời

Minh Khôi

(Dân trí) - Bạn là người thích tắm vào buổi sáng để bắt đầu ngày mới tràn đầy năng lượng, hay thuộc "trường phái" tắm tối để thư giãn và ngủ ngon hơn?

Tắm sáng hay tối tốt hơn? Khoa học đã có câu trả lời - 1

Tắm buổi tối có thể giúp rửa sạch bụi bẩn và mồ hôi trong ngày, nhưng bạn có thể không còn "thơm tho" vào sáng hôm sau (Ảnh: Getty).

Tắm vào lúc nào có thể là thói quen cá nhân, nhưng hiểu rõ cách cơ thể phản ứng với vi khuẩn trong từng khoảng thời gian mới là chìa khóa để lựa chọn thời điểm "vàng" cho sức khỏe.

Trong khi nhiều người vẫn chọn thời điểm tắm dựa trên cảm giác cá nhân, thì khoa học vi sinh vật học lại hé lộ một yếu tố then chốt có thể khiến bạn xem xét lại toàn bộ thói quen vệ sinh hàng ngày của mình.

Thói quen đi tắm: Không chỉ để sạch, mà còn là chuyện… vi sinh vật

Tắm là một phần quan trọng trong chăm sóc cá nhân. Đây là điều mà ai cũng biết. Tuy nhiên, tác động thật sự của việc tắm vào các thời điểm khác nhau trong ngày lại liên quan mật thiết đến hoạt động của hàng tỷ vi khuẩn đang sống trên da bạn.

Nhiều người nghĩ rằng mùi cơ thể là do mồ hôi, nhưng sự thật là mồ hôi tươi vốn không mùi. Mùi khó chịu chỉ xuất hiện khi vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu khuẩn sống trên da, phân giải các thành phần trong mồ hôi, tạo ra một hợp chất chứa lưu huỳnh gọi là thioalcohols. Chính hợp chất này gây ra mùi hôi nồng đặc trưng.

Tắm tối - liệu có thực sự "gột rửa" cả ngày?

Suốt cả ngày, bụi mịn, vi khuẩn, phấn hoa và các chất ô nhiễm trong không khí bám lên da và tóc của bạn. Việc tắm vào buổi tối có thể loại bỏ phần lớn những yếu tố này trước khi bạn chui vào chăn. Điều này nghe có vẻ hợp lý, và cũng là thói quen của đa số người Việt.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở việc bạn sạch sẽ trước khi ngủ, mà là bạn tiếp xúc với thứ gì khi đang ngủ.

Nguyên nhân là vào ban đêm, cơ thể vẫn tiếp tục đổ mồ hôi, đặc biệt ở những người hay bị nóng trong lúc ngủ.

Mồ hôi này trở thành "bữa tiệc đêm" cho vi khuẩn trên da, giúp chúng sinh sôi và tạo mùi. Thêm vào đó, tế bào da chết vẫn bong ra liên tục trong khi ngủ. Khi kết hợp với bụi bẩn, chúng có thể gây dị ứng và làm nặng thêm bệnh hen suyễn nếu bạn không giặt ga giường thường xuyên.

Và còn một điều ít người ngờ đến: vi khuẩn từ ga gối không sạch có thể quay lại bám vào làn da vừa mới tắm xong. Điều này biến nỗ lực "tắm sạch trước khi ngủ" thành công cốc.

Tắm sáng - ít ai để ý nhưng lại mang nhiều lợi ích bất ngờ

Ngược lại, tắm buổi sáng giúp bạn rửa trôi mọi thứ tích tụ trên da suốt đêm: từ mồ hôi, tế bào chết cho tới vi khuẩn bám từ chăn gối. Điều này giảm nguy cơ mùi cơ thể, đồng thời tạo cảm giác sảng khoái để bắt đầu một ngày mới.

Một lợi ích không ngờ là nếu bạn không thể giặt ga trải giường thường xuyên, thì tắm sáng chính là "tấm khiên vi sinh học" để giảm tiếp xúc với các yếu tố có hại.

Ngoài ra, mặc quần áo mới trên cơ thể vừa được làm sạch còn hạn chế vi khuẩn phát triển trong ngày, qua đó giúp bạn giữ được mùi thơm lâu hơn, đặc biệt quan trọng trong môi trường công sở, học tập hoặc khi giao tiếp nhiều.

Không chỉ vậy, tắm vào buổi tối, đặc biệt là vào đêm khuya hoặc trong điều kiện thời tiết lạnh, có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tim mạch hoặc tiểu đường. Với những người có sẵn mối lo về sức khỏe, việc tắm vào buổi sáng xem ra sẽ hợp lý hơn.

Vậy, tắm sáng hay tắm tối mới tốt hơn?

Theo các chuyên gia vi sinh vật học, tắm buổi sáng đúng là có nhiều lợi thế hơn về mặt kiểm soát vi khuẩn và vệ sinh tổng thể, đặc biệt nếu bạn không thể giặt ga trải giường thường xuyên.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ thói quen tắm tối, vì mọi thói quen đều có thể hiệu quả nếu được kết hợp với vệ sinh hợp lý.

Điểm cốt lõi thường bị bỏ quên nằm ở việc bạn giặt ga giường và vỏ gối ít nhất 1 lần mỗi tuần, nhằm loại bỏ mồ hôi, tế bào chết, dầu nhờn và vi khuẩn gây mùi.

Đừng quên, ga trải giường là nơi tiếp xúc trực tiếp với da mặt và toàn thân suốt 6-8 tiếng mỗi ngày. Chúng sạch hay không sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe làn da và hệ hô hấp của bạn.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng việc tắm vào buổi tối không trực tiếp gây đột quỵ, nhưng có thể là yếu tố kích hoạt đột quỵ ở những người có nguy cơ cao. Việc điều chỉnh thói quen tắm và chú ý đến các yếu tố nguy cơ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Theo www.sciencealert.com