Phát hiện một bí mật của Đại Kim tự tháp Giza nhờ tia vũ trụ

Phạm Hường

(Dân trí) - Một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế vừa công bố phát hiện một đường hầm bí mật trong lòng Đại Kim tự tháp Giza ở Ai Cập.

Phát hiện một bí mật của Đại Kim tự tháp Giza nhờ tia vũ trụ - 1

Một hành lang bí mật (ảnh phải) bên trong Đại Kim tự tháp Giza vừa được các nhà nghiên cứu của dự án chiếu chụp kim tự tháp phát hiện và lập bản đồ. (Ảnh: AP Photo/Hassan Ammar)

Hành lang dài 9 mét và nằm gần lối vào của công trình kiến trúc 4.500 năm tuổi này. Các nhà nghiên cứu cho rằng hành lang này có thể sẽ dẫn đến những khám phá mới bên trong kỳ quan thứ 7 của thế giới cổ đại. "Tôi cho rằng khám phá này là khám phá quan trọng nhất trong thế kỷ XIX" -  nhà khảo cổ học Zahi Hawazz - cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập - đánh giá.

Các nhà khảo cổ học tin rằng hành lang hình vòm này được thiết kế để giúp phân bổ trọng lượng của kim tự tháp cổ đại khổng lồ. Ông Mostafa Waziri ở Hội đồng tối cao Cổ vật Ai Cập, nói rằng "hành lang này bảo vệ hoặc làm giảm áp lực lên một thứ gì đó bên dưới nó, có thể là một căn phòng, hoặc một thứ gì khác." Ông hy vọng nhóm nghiên cứu sẽ sớm tìm ra mục đích của hành lang này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục chiếu chụp để tìm ra cái gì nằm bên dưới hoặc ở cuối đường hầm này."

Phát hiện này là một trong những kết quả của dự án chiếu chụp kim tự tháp, một dự án được khởi động vào năm 2015 với hoạt động chính là sử dụng kỹ thuật chụp X quang hạt muy-ông tia vũ trụ để điều tra xem bên trong kim tự tháp có gì mà không làm hỏng các cấu trúc đó.

Kỹ thuật này dựa vào bức xạ bắn xuyên qua kim tự tháp. Các máy dò đặt xung quanh kim tự tháp sẽ thu lại các bức xạ này và biến đổi thành những tín hiệu mà các nhà khoa học có thể suy ra cấu trúc bên trong của di tích.

Khoang rỗng mà gần đây được xác định là đường hầm này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2016. Những lần quét đầu tiên khi đó cho thấy có một khoảng trống rỗng nằm phía sau lối mở. Cửa vào của khoang rỗng có khả năng bị dấu dưới lớp vỏ của kim tự tháp.

Nhờ có kỹ thuật hình ảnh muy-ông, các nhà khoa học nhận ra cấu trúc này nằm đủ gần bề mặt để có thể rà quét kỹ hơn bằng một máy quay siêu nhỏ gọi là máy nội soi. Bằng cách luồn lách máy nội soi qua những vết nứt nhỏ nhất, lần đầu tiên họ có thể nhìn thấy bên trong của khoang rỗng kể từ khi nó bị bịt lại. Và sự tồn tại của khoang rỗng đã được khẳng định. Có lẽ nó là một đường dốc nhỏ hướng ngược lên trên.

Một trong các tác giả của nghiên cứu này, nhà khảo cổ học Sebastien Procureur ở Trường đại học Paris-Saclay, Pháp, nói rằng "chúng tôi biết có một khoang rỗng nằm ở đó, nhưng tất nhiên hoàn toàn khác so với những gì chúng tôi vừa được nhìn thấy, một cảm giác rất lạ khi chúng tôi nhìn thấy nó."

Còn nhà Ai Cập học Wojciech Ejsmond làm việc tại Dự án Xác ướp Warsaw đánh giá đây là một "khám phá vô cùng thú vị". Ông nói "các nhà khoa học vẫn chỉ suy đoán về những căn phòng và khoang rỗng tiềm ẩn bên trong kim tự tháp này suốt nhiều thập kỷ. Bây giờ chúng ta đã có một số cơ sở để biết được cần chú trọng tìm hiểu vào đâu. Hành lang này nằm ngay lối vào của kim tự tháp, điều này thật đáng ngạc nhiên vì đây là một điểm rất nổi tiếng."

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng những hành lang như vậy sẽ làm sáng tỏ những căn phòng trước đây chưa từng được biết đến. Cho đến nay, đã có 4 căn phòng được khám phá, như trong hình dưới đây: phòng dưới lòng đất, phòng của nữ hoàng, phòng trưng bày lớn, và phòng của nhà vua.

Đại Kim tự tháp Giza ban đầu được xây vào năm 2.560 trước Công nguyên dưới thời pharaon Khufu. Hầm mộ cao 137 mét này là cấu trúc nhân tạo cao nhất trên hành tinh cho đến khi tháp Eiffel được xây vào năm 1889.