Ông lão 70 tuổi chạy 100 mét cực "sung", thách thức giới khoa học

Minh Khôi

(Dân trí) - Michael Kish, vận động viên 70 tuổi người Mỹ đã gây choáng váng cho khán giả tại sự kiện điền kinh Penn Relays khi hoàn thành đường chạy 100 mét trong vòng chưa đầy 14 giây.

Thành tích đáng kinh ngạc của cụ ông 70 tuổi

Ông lão 70 tuổi chạy 100 mét cực "sung", thách thức giới khoa học (Video: FloTrack).

Mặc dù Michael Kish vẫn chưa thể vượt qua kỷ lục ở hạng mục 100 mét nam từ 70 tuổi trở lên do đồng nghiệp người Mỹ, Bobby Whilden, thiết lập tại Thế vận hội Người cao tuổi 2005 với 12,77 giây, song đây vẫn là một thành tích vô cùng ấn tượng.

Thành tích của Michael thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn, khi ông mới chỉ bắt đầu với bộ môn chạy đường trường ở tuổi 59, theo lời khuyên của một người bạn, nhằm duy trì thể trạng tốt và sức khỏe ở tuổi già.

Ngay sau buổi chạy, Michael đã có được sự khen ngợi của hàng triệu người trên mọi phương tiện truyền thông xã hội. Trong đó, rất nhiều người trẻ ở độ tuổi 20, 30 đã bày tỏ cảm xúc kèm theo sự ngưỡng mộ, cho rằng họ dù có chăm chỉ luyện tập, cũng không thể vượt qua cụ ông 70 tuổi.

Kỷ lục của Michael Kish cũng khiến giới khoa học choáng váng không kém. Trong sinh học, lão hóa (senescence) là trạng thái hay quá trình tạo nên tuổi tác, sự già nua, và ghi nhận chưa một ai có thể nghịch đảo quá trình này. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, đạt được kỳ tích về tuổi thọ hay sức khỏe phi thường ở tuổi "gần đất xa trời".

Làm chậm lão hóa, "trường thọ" là có thể?

Sự lão hóa trong cơ thể người cao tuổi được ghi nhận với những thay đổi toàn bộ các tổ chức, cơ quan, bộ máy của cơ thể gồm hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và hệ nội tiết.

Thông thường đối với cơ thể người cao tuổi, quá trình lão hóa xảy ra với các mức độ khác nhau, sẽ làm giảm hiệu lực cơ chế tự điều chỉnh, giảm khả năng thích nghi và bù trừ, do đó không đáp ứng được ngay cả những đòi hỏi cơ bản của cuộc sống, chứ đừng nói là những bộ môn yêu cầu vận động mạnh về cơ bắp và tim mạch như chạy nước rút.

Tuy nhiên, khoa học đến nay cũng đã xác định được một số yếu tố di truyền và môi trường nhất định có tác động đến quá trình lão hóa ở các sinh vật sống, đem lại hy vọng có thể làm chậm, giữ nguyên hay thậm chí là phục hồi lại sự lão hóa ở con người.

Ông lão 70 tuổi chạy 100 mét cực sung, thách thức giới khoa học - 1

Hình ảnh minh họa khi một tế bào bình thường trở thành tế bào bị lão hóa (Ảnh: NIA).

Trong đó, điển hình như chế độ ăn kiêng đặc biệt đã được minh chứng là có thể kéo dài tuổi thọ của nấm men, sâu, ruồi, chuột và khỉ trong môi trường phòng thí nghiệm. Ngoài ra, một vài mã gen cần thiết cho quá trình này đã được xác định và sửa đổi, để đem lại công hiệu tương tự.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một đột biến gen chung trên những người sống lâu trăm tuổi, và nhanh chóng xem đây là chìa khóa quan trọng để tìm ra cách thức tránh được sự lão hóa trong tự nhiên.

Đó là nghiên cứu được công bố vào năm 2018, sau khi phân tích mẫu gen của 52 cụ già người Ý, đều thọ hơn trăm tuổi. Là đơn vị thực hiện nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California ở Pasadena (Mỹ) nhận thấy 17% trong số này có chứa đột biến C150T trong DNA ty thể (loại DNA nằm ngoài nhân tế bào). Trong khi đó, chỉ có 3,4% trong số 117 người dưới tuổi 99 là chứa đột biến trên, nghĩa là chỉ bằng 1%.

Theo các nghiên cứu, dường như đột biến C150T đã kích thích sự tái tạo của DNA ty thể, cho phép cơ thể thay thế những tế bào già nua một cách nhanh hơn, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ, cũng như khiến họ trở có sức khỏe tốt hơn rất nhiều so với những người cùng tuổi.

Đột biến này sau đó được chứng minh là có thể di truyền, đồng thời, cũng có thể phát sinh trong quá trình sống. Tuy nhiên, làm thế nào để phát sinh đột biến này vẫn còn là một bí ẩn mà khoa học chưa thể khám phá.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm