Phát hiện bộ phận mới của cơ thể người, ẩn giấu trong phổi

Minh Khôi

(Dân trí) - Các tế bào mới được hình thành giúp duy trì một hệ thống hô hấp khỏe mạnh.

Phát hiện bộ phận mới của cơ thể người, ẩn giấu trong phổi - 1

Tạm gọi là tế bào bài tiết đường hô hấp (RAS), tế bào mới được nhóm nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) tìm thấy trong các đoạn nhỏ, phân nhánh của tiểu phế quản, bọc bởi các phế nang, các túi khí dành cho việc trao đổi oxy và carbon dioxide với máu. 

Tế bào RAS phục vụ 2 chức năng chính trong phổi. Đầu tiên, chúng tiết ra các phân tử duy trì lớp niêm mạc chất lỏng dọc theo các tiểu phế quản, giúp ngăn chặn các đường dẫn khí nhỏ bị xẹp xuống và tối đa hóa hiệu quả của phổi. 

Thứ hai, chúng có thể hoạt động như các tế bào tiền thân cho các tế bào phế nang loại 2 (AT2), một loại phế nang đặc biệt tiết ra chất nhằm khôi phục các phế nang bị hư hỏng khác. 

Nói cách khác, các tế bào RAS có cấu trúc tương tự như tế bào gốc, vì vậy có thể biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào nào khác trong cơ thể, và có khả năng sửa chữa các tế bào phế nang bị hư hỏng và biến đổi thành tế bào mới.

Do vậy, việc tìm hiểu các tế bào mới được hình thành sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho hệ thống hô hấp hoạt động bình thường và thậm chí còn có thể truyền cảm hứng cho các phương pháp điều trị mới để đảo ngược tác động của một số bệnh lý liên quan đến hút thuốc.

Phát hiện bộ phận mới của cơ thể người, ẩn giấu trong phổi - 2

Tế bào RAS cho thấy sự tương đồng giữa phổi người và chồn sương (Ảnh: Nature)

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy các tế bào RAS ở chồn sương. Điều này khiến họ nghi ngờ rằng hầu hết các động vật có vú với kích thước bằng hoặc lớn hơn chồn đều có khả năng sở hữu tế bào RAS trong phổi của chúng.

Tác giả của nghiên cứu, GS. Edward Morrisey nhấn mạnh: "Trước đây, chúng ta đều biết rằng hệ thống hô hấp của phổi người khác với chuột. Nhưng giờ đây bằng các công nghệ tân tiến, chúng ta có thể xác định được chúng đều có nguồn gốc từ một loại tế bào duy nhất."

Về lý thuyết, các tế bào RAS có khả năng ngăn ngừa, hoặc ít nhất là làm giảm bớt tác động của COPD (chứng tắc nghẽn phổi mãn tính) bằng cách sửa chữa các phế nang bị tổn thương.  

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng việc hút thuốc lá có thể làm hỏng, hoặc thậm chí phá hủy hoàn toàn các tế bào mới này, dẫn đến sự khởi nguồn của các triệu chứng thuộc loại COPD như hen suyễn, chứng tắc nghẽn phổi, viêm đường hô hấp…

Theo www.livescience.com