Ô nhiễm môi trường có thể làm giảm kích thước "cậu nhỏ"
(Dân trí) - Một nhà khoa học hàng đầu tuyên bố rằng ô nhiễm môi trường từ hóa chất có thể khiến trẻ em sinh ra với dương vật nhỏ hơn, cũng như số lượng tinh trùng hạn chế.
Là một nhà dịch tễ học nổi tiếng trong lĩnh vực môi trường và sinh sản, Tiến sĩ Shanna Swan mới đây cho biết trong cuốn sách của mình rằng tình trạng ô nhiễm môi trường từ hóa chất có thể làm giảm kích thước của "cậu nhỏ".
Cụ thể, nghiên cứu của bà cho thấy tình trạng dương vật nhỏ hơn và số lượng tinh trùng thấp hơn có liên quan đến phthalate - một loại hóa chất được tìm thấy trong chế phẩm từ nhựa.
Theo Swan và các chuyên gia khác, những chất gây rối loạn này có thể truyền qua sữa mẹ, và gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh khi chúng vẫn còn trong bụng mẹ.
Những tác nhân gây rối loạn này cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như chỉ số thông minh thấp hơn, sinh non, mức testosterone thấp hơn,.... và tất nhiên là cả việc kích thước dương vật nhỏ lại.
"Trẻ sơ sinh đang bước vào thế giới đã bị ô nhiễm vì những chất độc hại mà chúng hấp thụ từ trong bụng mẹ", cuốn sách viết.
Tiến sĩ Swan cũng cho biết nghiên cứu của bà đã phát hiện ra rằng những bé trai tiếp xúc với 4 loại phthalate khác nhau trong 3 tháng đầu có bộ phận 'Anogenital Distance' (phần bìu da nối giữa hậu môn tới dương vật) ngắn hơn so với bình thường.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ phthalate có ảnh hưởng mật thiết tới cả nam giới và nữ giới, đặc biệt là sự thỏa mãn tình dục của họ.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng những công dân có nồng độ bisphenol A, (thường được gọi là BPA) trong máu cao hơn có nhiều khả năng gặp các vấn đề về tình dục, bao gồm cả giảm ham muốn", tiến sĩ Swan cho biết.
Trước đó vào năm 2017, tiến sĩ Swan cũng là đồng tác giả của một đề tài khoa học về tình trạng sụt giảm số lượng tinh trùng ở nam giới, cũng như khả năng sinh sản liên quan tới mức độ ô nhiễm môi trường.