Nữ nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra virus corona cách đây nửa thế kỷ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, những phát hiện của cố nhà virus học June Almeida cách đây hơn nửa thế kỷ cuối cùng được thế giới công nhận.

Nữ nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra virus corona cách đây nửa thế kỷ - 1

Nhà khoa học June Almeida làm việc trước kính hiển vi điện tử tại Viện Nghiên cứu Ung thư Ontario ở Toronto, Canada, bà là người đầu tiên quan sát thấy loại coronavirus bằng kỹ thuật do chính mình phát triển (Ảnh: National Geographic).

Vào năm 1964, nữ nhà khoa học June Almeida đã quan sát mẫu vật dưới kính hiển vi điện tử.

Bà nhìn quan sát thấy một chấm tròn màu xám có hình dáng chiếc vương miện, xung quanh nó được bao phủ bởi các tia nhỏ giống như một vầng hào quang.

Thời điểm đó, ít ai ngờ được rằng những phát hiện của Almeida về chấm tròn này chính là một loại virus đã gây ra đại dịch Covid-19 mang tên coronavirus ngày nay.

Đáng chú ý, nhà khoa học khi đó 34 tuổi chưa bao giờ hoàn thành nghiên cứu của mình do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Ước mơ bỏ lại

June Almeida đã trải qua thời thơ ấu ở Glasgow, Scotland, cha cô làm tài xế xe buýt. 

Cô gái là một học sinh thông minh, ước mơ lớn nhất của June khi đó là vào đại học, nhưng gia đình cô quá nghèo nên không đủ khả năng để cho cô có cơ hội hoàn thành nó.

Năm 16 tuổi, cô bỏ học và bắt đầu làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Bệnh viện Hoàng gia Glasgow (Anh). Đây chính là nơi cô phân tích các mẫu mô dưới kính hiển vi.

Sau đó, cô nhận lời mời từ Bệnh viện Saint Bartholomew (London, Vương quốc Anh), June trở về đây làm việc và phụ trách công việc tương tự.

Tại đây, cô gái gặp chàng nghệ sĩ Venezuela, Enriques Almeida, người đã trở thành chồng cô sau này.

Hai vợ chồng di cư đến Canada và June bắt đầu làm việc tại Viện Nghiên cứu Ung thư Ontario, cô đã phát triển các kỹ thuật mới trong nghiên cứu và xuất bản một số bài báo mô tả cấu trúc của các loại virus mà khoa học chưa hề có trước đây.

Kỹ thuật quan sát kính hiển vi do June Almeida phát triển rất đơn giản nhưng mang tính cách mạng đối với lĩnh vực virus học lúc bấy giờ.

Khi làm việc với các mô siêu nhỏ, thật khó để biết chính xác những gì cần tìm, thách thức là lớn nhất chính là việc phân biệt xem một chấm nhỏ nằm trên tiêu bản là virus, tế bào hay thứ gì đó hoàn toàn khác.

Để giải quyết vấn đề này, June Almeida nhận ra cô có thể sử dụng các kháng thể lấy từ những người bị nhiễm bệnh trước đó để xác định vị trí của virus. 

Các kháng thể bị thu hút bởi kháng nguyên, vì vậy khi nhà nghiên cứu đưa vào các hạt nhỏ được phủ kháng thể, chúng sẽ tập trung xung quanh virus, báo hiệu sự hiện diện của nó. 

Kỹ thuật này đã cho phép các bác sĩ lâm sàng sử dụng kính hiển vi điện tử để chẩn đoán nhiễm virus.

Sau đó, June Almeida đã xác định được vô số loại virus bao gồm cả rubella. Các nhà khoa học đã nghiên cứu bệnh rubella trong nhiều thập kỷ, nhưng June Almeida là người đầu tiên quan sát và ghi lại nó.

Phát hiện virus corona

Sau những khám phá của mình, tài năng của June Almeida đã được giới khoa học công nhận, nữ nhà khoa học trở lại London, nơi cô nhận được một vị trí tại Trường Y Bệnh viện Saint Thomas. 

Vào năm 1964, Tiến sĩ David Tyrrell, người đang giám sát Đơn vị Nghiên cứu Cảm lạnh (CCU: Common Cold Unit) ở Salisbury, Vương quốc Anh đã liên lạc với cô. 

Nhóm của anh ấy đã thu thập các mẫu virus giống cúm (tên gọi B814) từ một cậu học sinh bị bệnh ở Hạt Surrey.

Khó khăn lớn mà nhóm nghiên cứu gặp phải chính là việc phát triển và phân tích nó trong phòng thí nghiệm khi các phương pháp truyền thống thất bại.

Lúc đó, các nhà khoa học bắt đầu nghi ngờ B814 có thể là một loại virus mới.

David Tyrrell đã gửi mẫu vật này cho June Almeida với hy vọng kỹ thuật quan sát bằng kính hiển vi của cô có thể giúp xác định rõ loại virus này. 

Mặc dù June Almeida không có quá nhiều tài liệu khoa học, nhưng những khám phá của cô đã khiến cho David bất ngờ.

Cô không chỉ tìm và tạo ra những hình ảnh về loại virus này, mà trước đây nữ nhà khoa học đã nhìn thấy 2 loại virus tương tự: một từ bệnh viêm phế quản ở gà và loại kia từ nghiên cứu bệnh viêm gan ở chuột.

Thời điểm đó, cô đã viết một bài báo để báo cáo về hai trường hợp phát hiện mới này, nhưng nó đã bị từ chối. 

Ban biên tập của tạp chí cho rằng, những hình ảnh này chỉ là hình ảnh chất lượng thấp của virus cúm.

Với mẫu nghiên cứu của Tyrrell gửi cho cô, Almeida chắc chắn rằng, cô đã xác định được một nhóm virus mới.

Trong một cuộc họp, hai nhà khoa học Almeida và Tyrrell đã đặt tên cho loại virus mới này là coronavirus, họ lấy cảm hứng từ cấu trúc hào quang của virus kết hợp với tiếng Latinh: corona có nghĩa là vương miện. 

Nữ nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra virus corona cách đây nửa thế kỷ - 2

Coronavirus được quan sát dưới kính hiển vi điện tử, các tia xung quanh rìa khiến các nhà nghiên cứu liên tưởng đến vầng hào quang và đã truyền cảm hứng cho cái tên corona có nghĩa là vương miện trong tiếng Latinh (Ảnh: National Geographic).

Vào năm 1985, June Almeida nghỉ hưu nhưng vẫn hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu về virus học. Cô trở thành một giáo viên yoga, đam mê tìm hiểu và sưu tập đồ cổ cùng người chồng thứ hai, Phillip Gardner.

June Almeida đã trở lại Saint Thomas với tư cách là cố vấn và giúp tạo ra một số hình ảnh chất lượng cao đầu tiên về virus HIV và AIDS.

Vào năm 2007, nhà khoa học qua đời ở tuổi 77.

Đến lúc đó, nhiều chương sách giáo khoa và bài báo về virus học có những hình ảnh chi tiết tinh xảo mà cô ấy tìm ra được xuất bản. 

Cô cũng được biết đến nhiều hơn với những thành tựu khác, bao gồm chụp hình ảnh đầu tiên của virus rubella và xác định cấu trúc của virus gây bệnh viêm gan B.

Hugh Pennington, Giáo sư danh dự về Vi khuẩn học tại Đại học Aberdeen (Anh) đã làm việc với June Almeida tại Saint Thomas chia sẻ: "June Almeida là một trong những nhà khoa học Scotland lỗi lạc nhất trong thế hệ của cô ấy, nhưng thật đáng buồn là phần lớn những đóng góp của cô bị thế giới lãng quên".

56 năm sau, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đe dọa sức khỏe toàn cầu, lần đầu tiên các nhà khoa học mới tiếp tục quan sát virus corona dưới kính hiển vi.

Cuối cùng, thế giới cũng công nhận những đột phá khoa học mà June Almida đã tạo ra cách đây nửa thế kỷ.

Theo www.nationalgeographic.fr