1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Ngừng ngay thói quen này, vì có thể là "con đường" dẫn tới bệnh Alzheimer

Minh Khôi

(Dân trí) - Ngoáy mũi, một thói quen khá phổ biến với nhiều người, có thể làm tăng khả năng mắc chứng mất trí nhớ và nên được kiểm soát.

Ngừng ngay thói quen này, vì có thể là con đường dẫn tới bệnh Alzheimer - 1

Ngoáy mũi là một thói quen không khó để bắt gặp. Trên thực tế, một thống kê cho thấy ước tính có tới 9 trên 10 người làm điều đó mỗi ngày (Anhr: Getty).

Năm 2022, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Griffith, Australia, đã tiến hành thử nghiệm một loại vi khuẩn có tên là Chlamydia pneumoniae.

Vi khuẩn này chủ yếu được biết đến nhờ khả năng lây nhiễm sang người, gây ra bệnh viêm phổi, nhưng đồng thời cũng được phát hiện trong não của những người bị ảnh hưởng bởi chứng sa sút trí tuệ khởi phát muộn.

Bằng cách thử nghiệm ở chuột, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Chlamydia pneumoniae có thể đi trực tiếp lên não thông qua mũi và dây thần kinh khứu giác.

Đặc biệt, khi biểu mô mũi (mô mỏng dọc theo vòm mũi) bị tổn thương, tình trạng nhiễm trùng dây thần kinh có thể trở nên trầm trọng hơn.

Đáng chú ý, protein amyloid-beta tích tụ ở não chuột cũng được tìm thấy ở những người mắc bệnh Alzheimer - một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.

Dựa trên mối liên hệ này, các nhà nghiên cứu cho rằng hành vi ngoáy mũi ở người, vốn có thể gây ra những tổn thương nhất định cho biểu mô mũi, có thể là "con đường" dẫn tới căn bệnh Alzheimer.

"Chúng tôi đã thấy điều này xảy ra ở chuột, và chúng ta không phải là không có nguy cơ", James St. John, nhà thần kinh học từ Đại học Griffith cho biết.

Ngừng ngay thói quen này, vì có thể là con đường dẫn tới bệnh Alzheimer - 2

Những thử nghiệm ở chuột cho thấy vi khuẩn và virus coi mũi như một con đường nhanh chóng để xâm nhập tới não (Ảnh: Geneproof).

Các nhà khoa học cũng đã rất ngạc nhiên với tốc độ mà Chlamydia pneumoniae xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương của chuột. Cụ thể, quá trình lây nhiễm này xảy ra chỉ vỏn vẹn trong vòng 24 đến 72 giờ.

Điều này cho thấy vi khuẩn và virus coi mũi như một con đường nhanh chóng để xâm nhập tới não.

Mặc dù chưa thể chắc chắn rằng những tác động ở người và chuột sẽ giống nhau, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra, và cần thêm thời gian để làm rõ.

Ngoáy mũi là một thói quen không khó để bắt gặp. Trên thực tế, một thống kê cho thấy ước tính có tới 9 trên 10 người làm điều đó mỗi ngày. Không chỉ vậy, một vài loài động vật khác cũng biết ngoáy mũi.

Mặc dù lợi ích từ thói quen này là chưa xác định, song rõ ràng rất nhiều người trong số chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi ngoáy mũi.

Dưới góc độ khoa học, ngoáy mũi và nhổ lông mũi không được xem là một ý kiến hay, vì nó có thể gây tổn thương cho các mô bảo vệ mũi.

Trong khi đó, những nghiên cứu mới về bệnh Alzheimer cho thấy tuổi tác không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra tổn thương cho não bộ, mà vi khuẩn và virus cũng đóng vai trò rất quan trọng.