1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Tàu NASA giải phóng 10.000 tấn đất đá vào không gian, liệu có nguy hiểm?

Minh Khôi

(Dân trí) - Sứ mệnh từng được cho là thành công rực rỡ đang đối mặt với những lo ngại có thể tạo ra những mối lo khác từ vũ trụ.

Vụ va chạm có chủ đích đầu tiên với vật thể ngoài vũ trụ

Tàu NASA giải phóng 10.000 tấn đất đá vào không gian, liệu có nguy hiểm? - 1

Đồ họa mô phỏng va chạm của DART với tiểu hành Dimorphos (Ảnh: NASA).

Ngày 27/9 theo giờ Việt Nam, tàu vũ trụ không người lái DART của NASA đã đâm trực diện vào tiểu hành tinh có tên Dimorphos với tốc độ gần 24.000 km/h, qua đó hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cảm tử được tập đoàn này giao phó.

Sau vụ va chạm, các nhà thiên văn học tại Đài quan sát Lowell (Mỹ) đã chứng kiến Dimorphos kéo theo phía sau một dải ánh sáng có thể lên tới hàng nghìn km.

Nhiều người đã gọi vui đó là "cái đuôi" vừa mọc ra từ Dimorphos sau khi xảy ra va chạm, khiến nó trông giống với một ngôi sao chổi. Tuy nhiên trên thực tế, phần đuôi này được tạo thành từ bụi và các mảnh vỡ bị thổi bay khỏi bề mặt của tiểu hành tinh.

Trong một cuộc họp báo mới đây tổ chức bởi NASA, các nhà khoa học đã lần đầu tiên công bố những thống kê quan trọng mà họ tính toán được kể từ vụ sau va chạm. Đó là có ít nhất 1.000 tấn đất đá - có thể lên tới 10.000 tấn - đã bị văng ra khỏi tiểu hành tinh Dimorphos do tác động của tàu DART.

Tàu NASA giải phóng 10.000 tấn đất đá vào không gian, liệu có nguy hiểm? - 2

Dải ánh sáng kéo theo sau tiểu hành tinh Dimorphos thực ra là khối lượng đất đá bị bắn văng ra sau va chạm với tàu DART của NASA (Ảnh: NASA).

Các nhà khoa học nhanh chóng trấn an rằng con số này mặc dù nghe thì rất lớn, song chỉ là một lượng nhỏ so với vũ trụ rộng lớn. So với khối lượng khoảng 5 tỷ kg của Dimorphos, lượng đất đá bị văng ra có lẽ chỉ chiếm khoảng 0,2% vật chất.

Ông Andy Rivkin, nhà khoa học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins nhấn mạnh: "Chúng ta đang nói đến một số lượng rất nhỏ". Tuy nhiên, không một ai dám khẳng định rằng khối lượng đất đá bị văng ra này là "vô hại". Điều gì có thể xảy ra?

Sẽ còn nhiều hiệu ứng phức tạp

Mặc dù sứ mệnh được cho là thành công rực rỡ, thậm chí "vượt sự kỳ vọng" theo một số người, nhưng dưới góc độ chuyên môn, những nhà quan sát khẳng định "dự án còn lâu mới hoàn thành". Đó là bởi việc kích hoạt một vụ nổ trong không gian có thể gây ra những hiệu ứng thực sự phức tạp, nằm ngoài dự đoán của con người.

Các nhà khoa học thường sử dụng một hệ số quan trọng, được gọi là "hệ số truyền dẫn động lượng" hay beta, để mô tả tác động của một tiểu hành tinh khi nó di chuyển ngoài không gian. Nếu tàu vũ trụ đâm trực diện vào tiểu hành tinh trong một vụ va chạm mà không tạo ra bất kỳ mảnh vỡ nào, thì tiểu hành tinh sẽ có động lượng bằng với lúc trước khi tàu vũ trụ đâm vào, với hệ số beta là 1.

Thế nhưng trên thực tế, một loạt các đặc điểm có thể ảnh hưởng đến hệ số beta, chẳng hạn như việc tàu vũ trụ va phải một mảng nhẵn hay một tảng đá lớn, cấu trúc bên trong của tiểu hành tinh và tiểu hành tinh được làm bằng vật liệu gì...

Tàu NASA giải phóng 10.000 tấn đất đá vào không gian, liệu có nguy hiểm? - 3

NASA cần phải tính toán cẩn thận, nếu không muốn những va chạm tương tự tạo nên một mối lo khác cho Trái Đất và các hoạt động nghiên cứu ngoài không gian (Ảnh minh họa).

Ở trường hợp của Dimorphos, các nhà khoa học đã xác định được hệ số beta tác động lên tiểu hành tinh là 3.6. Giá trị này có nghĩa là tiểu hành tinh đã thu được nhiều hơn gấp 3 lần động lượng so với khi xảy ra va chạm. Nói cách khác, các mảnh vỡ do va chạm tạo ra đã ảnh hưởng đến tiểu hành tinh nhiều hơn chính con tàu vũ trụ.

Theo tính toán, các mảnh vỡ bắn ra khỏi tiểu hành tinh và bay vào không gian sẽ tạo thêm động lượng cho tiểu hành tinh, làm tăng dần hệ số beta của tác động theo thời gian.

Bởi vậy ngay cả đến thời điểm hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang phải theo dõi chặt chẽ thông qua việc tính toán và theo dõi những biến đổi của hệ số beta, nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm động học khi nó xảy ra trong không gian.

Một số luồng ý kiến thì cho rằng chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn rằng liệu cách xử lý tương tự có thể ngăn chặn một thảm họa, hay đối mặt nguy cơ tạo ra một mối lo khác từ vũ trụ.

Trước đó, NASA từng nhiều lần bày tỏ sự lo ngại với những vật thể được coi là "rác" vũ trụ. Trên thực tế, nhân loại vẫn chưa hề biết chính xác những vật thể trôi dạt này có thể ảnh hưởng đến vũ trụ hay tầng khí quyển trên cao như thế nào, hay có tác động gì đến sự biến đổi khí hậu hay không. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm