1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Con người có thể khám phá vũ trụ mà không cần bay lên bầu trời

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà khoa học hành tinh đang tìm ra những cách mới để sử dụng máy học, từ đó hỗ trợ cho quá trình khám phá vũ trụ mà không cần sự hiện diện của con người.

Con người có thể khám phá vũ trụ mà không cần bay lên bầu trời - 1

Trong tương lai, những sứ mệnh không gian có thể sẽ được thực hiện hoàn toàn nhờ trí thông minh nhân tạo và công nghệ học máy (Ảnh: NASA).

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học vũ trụ, robot đang dần trở thành công cụ khám phá không gian dễ dàng và tối ưu hơn nhiều so với con người chúng ta. Đó là bởi robot không cần dưỡng khí và nước, cũng như thức ăn để duy trì sự sống.

Nhược điểm duy nhất là robot hiện nay vẫn cần con người điều khiển và đưa ra những quyết định. Dẫu vậy, điều này sẽ chẳng còn kéo dài bao lâu nữa.

Những tiến bộ của công nghệ học máy (machine learning) có thể thay đổi điều đó, từ việc khiến máy tính trở thành "cộng tác viên" xuất sắc của con người.

Mới đây, các nhà khoa học tại Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ (AGU) cho rằng các kỹ thuật học máy hiện đại đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận và tìm hiểu về Hệ Mặt Trời.

Những minh chứng có thể kể đến bao gồm việc lập kế hoạch cho sứ mệnh hạ cánh trong tương lai trên Mặt Trăng Europa của Sao Mộc, cho đến xác định vị trí núi lửa trên Sao Thủy.

Con người có thể khám phá vũ trụ mà không cần bay lên bầu trời - 2

Các nhiệm vụ không gian sắp tới của NASA cũng có thể kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) như một phần của dự án (Ảnh: Getty).

Theo lý giải, học máy về cơ bản là một cách đào tạo máy tính để xác định các biểu mẫu trong dữ liệu, sau đó khai thác các mẫu đó để đưa ra quyết định, dự đoán hoặc phân loại.

Một ưu điểm lớn của máy tính là tốc độ của chúng. Đối với nhiều nhiệm vụ trong thiên văn học, con người có thể mất hàng tháng, hàng năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ nỗ lực để sàng lọc tất cả các dữ liệu cần thiết.

Điều này sẽ khiến nhiệm vụ sẽ trở nên khá nhàm chán và ngốn rất nhiều thời gian quý giá của các nhà khoa học, thay vì những nghiên cứu có ích hơn.

"Bạn có thể tìm thấy tới 10.000, hay 100.000 tảng đá không gian, nhưng điều đó rất tốn thời gian", Nils Prieur, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Stanford (California) cho biết.

Trong khi đó, thuật toán học máy mới của Prieur có thể phát hiện các tảng đá trên toàn bộ Mặt Trăng chỉ trong 30 phút. Dữ liệu được tổng hợp là đủ để đảm bảo an toàn cho các nhiệm vụ hạ cánh trong tương lai, cũng như mang đến nhiều đặc điểm hữu ích về địa chất.

Theo Prieur, các nhiệm vụ không gian sắp tới của NASA cũng có thể kết hợp trí thông minh nhân tạo (AI) như một phần của dự án. AI chủ yếu được sử dụng để cảnh báo các mối nguy hiểm và thậm chí hỗ trợ cho quá trình cất cánh/hạ cánh.

Được biết, quá trình cất và hạ cánh luôn là thách thức lớn đối với tàu vũ trụ, và là một trong những thời điểm nguy hiểm nhất của một nhiệm vụ không gian.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm