Những lợi ích của việc tập thể dục khi mang thai

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã thu thập và kiểm tra lại dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về vai trò của việc tập thể dục khi mang thai và liệu có ảnh hưởng đến việc sinh non hay không? Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tập thể dục là an toàn và không làm tăng nguy cơ sinh non.

Ngoài ra, những phụ nữ tập thể dục có khả năng sinh mổ ít hơn so với những người không tập. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Obstetrics & Gynecology của Mỹ.

Trong lịch sử, phụ nữ không được khuyến khích vận động mạnh khi mang thai vì có nguy cơ sinh non. Theo tác giả của nghiên cứu Vincenzo Berghella: “Quan điểm cho rằng tập thể dục sẽ sản sinh ra chất norepinephrine trong cơ thể, đây là một loại hóa chất có thể kích thích các cơn co thắt ở tử cung, và do đó dẫn đến sinh non. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu bao gồm cả phân tích mới này chỉ ra rằng tập thể dục không gây hại cho em bé và có thể mang lại lợi ích cho cả mẹ và bé"

Những lợi ích của việc tập thể dục khi mang thai - 1

Tiến sĩ Berghella và đồng nghiệp của ông đã gộp dữ liệu từ 9 nghiên cứu ngẫu nhiên được kiểm soát - một trong những nghiên cứu liên quan đến các chủ đề con người – trong nghiên cứu, phụ nữ mang thai được chia thành hai nhóm. Trong số 2.059 phụ nữ được đưa vào phân tích, khoảng một nửa (1.022 phụ nữ) tập thể dục trong 35-90 phút mỗi lần, 3-4 lần mỗi tuần và tập trong vòng 10 tuần hoặc cho đến khi sinh, trong khi nửa còn lại (1.037 phụ nữ) không tập thể dục.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, tình trạng sinh non (trước 37 tuần) ở những phụ nữ tập thể dục tăng không đáng kể so với những phụ nữ không tập. Ngoài ra, có một số lợi ích như tỷ lệ phụ nữ tập thể dục có khả năng sinh thường lớn hơn – 73% phụ nữ tập thể dục sinh thường, trong khi chỉ có 67% phụ nữ không tập thể dục sinh thường. Tương tự như vậy, tỷ lệ sinh mổ ở phụ nữ tập thể dục thấp hơn so với phụ nữ không tập thể dục trong quá trình mang thai – 17% phụ nữ tập thể dục sinh mổ so với 22% phụ nữ không tập sinh mổ. Phụ nữ mang thai bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ thấp hơn so với những người không tập thể dục khi mang thai, và tỷ lệ bị huyết áp cao trong nhóm tập thể dục cũng thấp hơn.

Tất cả phụ nữ trong phân tích này đều mang thai đơn (không phải song sinh), có trọng lượng bình thường và không có vấn đề về sức khỏe ngăn cản họ tập thể dục.

Tiến sĩ Berghella cho biết: "Các kết quả trong phân tích này hỗ trợ cho Hiệp hội sản và phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đưa ra những khuyến cáo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, có nhiều lý do phụ nữ không tập thể dục khi mang thai đó là trạng thái khó chịu, mệt mỏi và cảm giác hụt hơi khi phải gắng sức. Bài báo này củng cố thêm rằng tập thể dục là tốt cho cả mẹ và bé và không làm tăng nguy cơ sinh non"

Minh Trang (Theo Sciencedaily)