1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hóa chất vĩnh cửu trong nước uống liên quan đến ung thư

Phạm Hường

(Dân trí) - Hàng chục năm nay, hóa chất PFAS được bổ sung vào sản phẩm tiêu dùng như dụng cụ nấu ăn, chai đựng nước, do có khả năng chống dính, chống thấm và tăng độ bền.

Hóa chất vĩnh cửu tiếp tục gây quan ngại cho sức khỏe người dùng. Một nghiên cứu mới phát hiện ra mối liên hệ giữa các hóa chất mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ đáng lo ngại cho sức khỏe người dùng. Đó là các hóa chất vĩnh cửu (PFAS) và chúng có khả năng gây ung thư.

Theo nghiên cứu, những người sống ở khu vực bị ô nhiễm PFAS có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn tới 33%, bao gồm cả những bệnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nội tiết, hô hấp, miệng và họng.

Các hóa chất PFAS từ lâu đã được ưa chuộng làm phụ gia trong nhiều sản phẩm tiêu dùng nhờ tác dụng tăng độ bền, tăng khả năng chịu nhiệt, chống bẩn, chống thấm nước cho sản phẩm. Tuy nhiên, cũng do độ bền của chúng nên các hóa chất này tồn tại trong môi trường và trong cơ thể con người qua nhiều thập kỷ.

Bắt đầu được sử dụng từ những năm 1940, PFAS đã được bổ sung vào mọi thứ, từ dụng cụ nấu ăn chống dính đến bao bì thực phẩm như chai đựng nước, bọt chữa cháy và quần áo chống thấm. Theo thời gian, khi những sản phẩm này bị phân hủy, các hóa chất sẽ thấm vào đất, nước và cuối cùng là vào máu con người.

Hóa chất vĩnh cửu trong nước uống liên quan đến ung thư - 1
Tất cả mọi thứ từ chai nhựa đựng nước đến chảo chống dính đều có thể chứa hóa chất vĩnh cửu (Ảnh: Adobe).

Thức ăn và nước uống hiện nay là con đường chính để hóa chất vĩnh cửu xâm nhập vào cơ thể con người.

Từ năm 2016 đến 2021, ước tính nước uống nhiễm hóa chất vĩnh cửu đã góp phần gây ra 7.000 ca chẩn đoán ung thư hàng năm ở Mỹ.

Bất chấp các bằng chứng khoa học, ngành công nghiệp dụng cụ nấu ăn vẫn đang cố chống lại các biện pháp cấm sử dụng PFAS.

Một hóa chất vĩnh cửu được gọi là PFBS, chất thay thế cho PFOA, có liên quan đến sự gia tăng khủng khiếp của bệnh ung thư miệng và vòm họng. Mặc dù Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho rằng PFBS ít độc hại hơn PFOA nhưng nghiên cứu mới đây nhấn mạnh rằng cần phải tìm hiểu sâu hơn về tác động lâu dài của hóa chất này.

Khả năng tàn phá mô người khiến các hóa chất vĩnh cửu trở nên đặc biệt nguy hiểm, ngay cả ở liều lượng thấp.

Nghiên cứu lưu ý rằng tổn thương do oxy hóa là một cơ chế tiềm ẩn rủi ro từ mối liên hệ giữa PFAS và bệnh ung thư ở những hệ thống quan trọng trong cơ thể như tuyến giáp, hệ nội tiết và cơ quan tiêu hóa.

Bên cạnh đó, thận cũng đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì thế, việc tiếp xúc với các hóa chất vĩnh cửu trong thời gian dài có thể gây ung thư.

Mặc dù nghiên cứu này chủ yếu là quan sát và ghi nhận, nhưng các nhà khoa học cho biết họ đã thu thập được nhiều bằng chứng rõ ràng, đủ để các cơ quan quản lý có hành động kiểm soát chặt chẽ hơn các hóa chất này.

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện nói trên sẽ góp phần cảnh tỉnh rằng PFAS không hề lành tính và việc giải quyết tác động của chúng đòi hỏi sự giám sát và quy định chặt chẽ hơn cùng với các cam kết tìm ra giải pháp thay thế an toàn hơn cho sức khỏe.

Theo bgr.com