Bụi phóng xạ vẫn còn từ sau Chiến tranh Lạnh
(Dân trí) - Đám mây bụi khổng lồ ở Sahara bao phủ châu Âu vào tháng 3/2022 vẫn chứa thành phần hóa học giống các vụ thử hạt nhân của Mỹ và Liên Xô từ những năm 1950 và 1960.
![Bụi phóng xạ vẫn còn từ sau Chiến tranh Lạnh - 1 Bụi phóng xạ vẫn còn từ sau Chiến tranh Lạnh - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/01Vk-0E7kG4CwOEfHuvOyxEcM4Q=/thumb_w/1020/2025/02/08/thu-hat-nhan-1-1738962069226.jpg)
Nghiên cứu do các nhà khoa học ở Trường Đại học Paris-Saclay, Pháp, phụ trách đã phát hiện thấy phóng xạ trong không khí. Tuy ở mức thấp và an toàn, nhưng đó là lời nhắc nhở về khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường của bụi phóng xạ.
Những đám mây bụi này thường xuyên thổi đến từ sa mạc Sahara và các nghiên cứu trước đây đã xác định khu vực xung quanh Reggane ở Algeria là nguồn bụi đáng kể.
Vì khu vực này cũng là nơi diễn ra 4 vụ thử vũ khí hạt nhân của Pháp nên các nhà nghiên cứu muốn xem xét kỹ hơn.
![Bụi phóng xạ vẫn còn từ sau Chiến tranh Lạnh - 2 Bụi phóng xạ vẫn còn từ sau Chiến tranh Lạnh - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/yoDJDt5W2xu81fMzmYtDS6wj6FE=/thumb_w/1020/2025/02/08/bui-phong-xa-1738962069269.jpg)
Dự án khoa học đó đã sử dụng 110 mẫu ở 6 quốc gia được xử lý theo nhiều cách khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các kiểu gió toàn cầu, thành phần hóa học và khoáng chất của bụi cũng như tính phóng xạ của mẫu.
Mặc dù bụi có dấu hiệu cho thấy nguồn gốc từ Nam Algeria, nhưng tính chất phóng xạ của nó không phù hợp với cường độ hoặc thành phần của các vụ thử hạt nhân của Pháp. Thay vào đó, nó phù hợp với dấu hiệu tương tự được thấy trên khắp thế giới do cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Các dấu hiệu đồng vị Plutonium, dấu vết đặc thù của bom hạt nhân, vẫn nằm trong phạm vi dấu hiệu bụi phóng xạ toàn cầu, phần lớn bị chi phối bởi các vụ thử hạt nhân của Mỹ và Liên Xô cũ, khác biệt đáng kể so với dấu hiệu bụi phóng xạ của Pháp".
Trong hai thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, Mỹ và Liên Xô đã cạnh tranh với nhau tiến hành hàng trăm vụ thử hạt nhân trên khắp các sa mạc, đại dương, đảo và các khu vực hoang dã, trong đó có những vụ nổ hạt nhân lớn nhất trên hành tinh.
Không chỉ nghiên cứu này, nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy vật chất phóng ra từ những vụ nổ đó đã lan ra khắp thế giới, bao gồm cả vùng lõi sa mạc Sahara và đáy đại dương sâu nhất.
Mặc dù mức độ phóng xạ giờ đây không còn nguy hiểm, nhưng các nhà khoa học cho rằng vẫn cần có các đánh giá thường xuyên để tìm hiểu tác động đang diễn ra đối với bầu khí quyển và môi trường về lâu dài.