Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2)

Nam Đoàn

(Dân trí) - Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở Nam Cực, chi tiết mới về sự tuyệt chủng của loài khủng long, vụ phun trào núi lửa ở Iceland... nằm trong số những khám phá khoa học đáng chú ý năm 2022.

Các thềm băng ở Nam Cực bất ngờ bị vỡ

Vùng đất Tây Nam Cực phía Nam quốc gia Argentina, chứa đủ băng để nâng mực nước biển lên 3 mét. 

Một số lớp băng đó chắc chắn sẽ tan chảy do tác động của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học vẫn không thể xác định chính xác bao nhiêu lượng băng sẽ mất đi và xảy ra nhanh như thế nào. 

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 1
Thềm băng Nam Cực đang bị tan chảy do tác động của biến đổi khí hậu.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những thông tin đáng ngại rằng, sự sụp đổ lớn băng ở khu vực này có thể sớm xảy ra. Do một thềm băng lớn (lớp băng nhô ra nổi trên biển ngăn tảng băng phía trên trượt xuống đại dương tan chảy) đã bị nứt đột ngột.

Nhà nghiên cứu về các sông băng Erin Pettit, Đại học Washington, Mỹ cho biết: "Sự rạn nứt có thể khởi động một phản ứng dây chuyền phá hủy khiến thềm băng xung quanh vỡ thành hàng trăm tảng băng trôi, giống như cửa sổ ô tô của bạn. Đây là bước đầu tiên báo hiệu một vụ sụp đổ lớn".

Cá đuối gai độc khổng lồ lập kỷ lục về loài cá nước ngọt lớn nhất

Kể từ năm 2005, Tiến sĩ Zeb Hogan, nhà thám hiểm Địa lý Quốc gia Mỹ, Đại học California đã đi khắp thế giới để tìm kiếm loài cá lớn nhất thế giới.

Vào giữa tháng 6, nhóm nghiên cứu do anh ta dẫn đầu khi đang ở Campuchia đã nhận được cuộc gọi từ một ngư dân địa phương tên là Moul Thun đang câu cá ở sông Mekong thì vô tình bắt được một con cá đuối nước ngọt khổng lồ "lớn hơn nhiều" so với bất kỳ con nào anh ta từng thấy trước đây.

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 2
Con cá đuối nước ngọt lớn nhất thế giới được phát hiện ở Campuchia.

Khi đến nơi, các nhà nghiên cứu cho biết, con cá dài gần 4m, nặng khoảng 300kg khiến nó trở thành loài cá nước ngọt lớn nhất từng được ghi nhận và được xác lập kỷ lục Guinness Thế giới vào ngày 24/6.

Chi tiết mới về sự tuyệt chủng của loài khủng long

Khoảng hơn 60 triệu năm trước, quỹ đạo của sự sống đã có một bước ngoặt đột ngột, dữ dội khi một tiểu hành tinh rộng 10km đâm vào vùng biển ngoài khơi bán đảo Yucatan của Mexico ngày nay. 

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 3
Hình ảnh minh họa thiên thạch đâm xuống biển cách đây hơn 60 triệu năm.

Sự kiện tác động khủng khiếp này đã mở ra một sự tuyệt chủng hàng loạt trên Trái Đất với khoảng hơn 3/4 tất cả các loài, bao gồm cả khủng long ngoại trừ chim. Nó để lại một miệng núi lửa khổng lồ dưới đáy biển được gọi là Chicxulub.

Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu đã một tập hợp và phân tích hóa thạch các loài cá đã chết trong vụ va chạm và kết luận rằng, tiểu hành tinh này đã đâm vào Trái Đất vào mùa Xuân ở Bắc bán cầu. 

Vào tháng 3, các nhà khoa học đã cung cấp một cái nhìn khác về sự tàn phá của tiểu hành tinh. Theo đó, trong vòng vài phút sau vụ va chạm, những tảng đá bị bắn ra ở vụ va chạm đã rơi xuống các khu vực xung quanh trong vòng bán kính hơn 1.000km từ trung tâm miệng núi lửa. 

Và vào tháng 8, các nhà nghiên cứu thông báo rằng họ đã tìm thấy dấu hiệu của một miệng núi lửa khác dưới đáy biển, nhiều khả năng nằm ở ngoài khơi bờ biển Tây Phi có cùng tuổi với Chicxulub.

Giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra rằng, nó có thể là bằng chứng cho thấy, một mảnh của tiểu hành tinh này đã vỡ ra và đâm vào Trái Đất một cách riêng biệt.

Vi nhựa được tìm thấy trong cơ thể con người

Các mảnh nhựa đã được tìm thấy trên đỉnh núi Everest - nóc nhà của thế giới và ở độ sâu sâu nhất của đại dương. Đáng chú ý, trong năm 2022, lần đầu tiên, chúng xuất hiện trong máu và phổi của cơ thể con người. 

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 4
Hạt vi nhựa trong cơ thể con người lần đầu tiên được phát hiện.

Từ một đơn vị máu hiến tặng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhựa nano, có chiều ngang nhỏ hơn một micromet, có thể do con người đã hít vào hoặc ăn. Họ cũng tìm thấy các sợi nhựa dài tới hai milimet trong phổi của bệnh nhân phẫu thuật. 

Hiện tại, nhóm các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ làm thế nào mà chúng tồn tại trong cơ thể người và liệu những mảnh nhựa này có thể gây hại cho sức khỏe của chúng ta hay không.

Vụ phun trào núi lửa ở Iceland báo trước nhiều thập kỷ hoạt động

Trong gần 800 năm, núi lửa trên bán đảo Reykjanes, Iceland đã ngủ quên. Nhưng nó đã bất ngờ thức dậy vào năm 2021, phun dung nham trong 6 tháng và trong năm nay ngọn núi này bắt đầu một cơn thịnh nộ khác.

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 5
Hình ảnh núi lửa trên bán đảo Reykjanes phun trào.

Các nhà khoa học cho biết, núi lửa ở khu vực này ngủ - thức theo chu kỳ, và lần phun trào thứ hai trong vòng chưa đầy một năm cho thấy, ngọn núi trên quốc đảo này có thể hoạt động kéo dài hàng thập kỷ.

"Cây thần kỳ" được cho là đã bị ăn đến mức tuyệt chủng có thể được phát hiện lại

Silphion là tên một loài thực vật có hoa được cho là có tác dụng chữa bệnh và làm cho hương vị thực phẩm trở nên đặc biệt, rất phổ biến ở thế giới Địa Trung Hải cổ đại đến nỗi nó bị ăn đến mức tuyệt chủng gần 2.000 năm trước. 

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 6
Hình ảnh được cho là hoa của loài cây Silphion.

Mahmut Miski, giáo sư dược lý (nghiên cứu về các loại thuốc có nguồn gốc từ các nguồn tự nhiên) tại Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, ông đã phát hiện lại loài cây này ở một vùng nông thôn của quốc gia này.

Hiện tại, nhà nghiên cứu đang nhân giống và phân tích loài hoa này để đối chiếu với các mô tả cổ xưa về loài cây Silphion.

Đồng thời, nó cũng được thử nghiệm như một thành phần trong các công thức nấu ăn cổ xưa của người La Mã và chúng khiến các món ăn mang một hương vị dễ chịu.

Chuyên gia nấu ăn cổ đại Sally Grainger cho biết: "Tìm kiếm silphion ban đầu và trải nghiệm các công thức nấu ăn cổ xưa một lần nữa với nó, giống như một loại Chén Thánh".

Ba loài rắn mới được phát hiện trong nghĩa địa

Nhà sinh vật học Alejandro Arteaga và các đồng nghiệp của ông khi đang đi qua các khu rừng mây ở Ecuador vào tháng 11/2021 để tìm kiếm loài cóc.

Họ đã dừng lại ở một thị trấn nhỏ khi nghe tin người dân địa phương đã nhìn thấy những con rắn kỳ lạ trườn quanh nghĩa địa.

Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022 (phần 2) - 7
Các nhà nghiên cứu sau đó đã tìm kiếm xung quanh khu vực này và phát hiện ra ba loài rắn đầy màu sắc mới, hai loài trong vùng đất mềm của nghĩa địa và một loài thứ ba gần đó. 

Cả ba loài, được mô tả trong một bài báo khoa học năm nay, đều là rắn mặt đất thuộc chi Atractus.

Làm sáng tỏ "vật chất tối" của vũ trụ protein

Công ty mẹ Meta của Facebook và DeepMind - một công ty con Alphabet (Google), đều đã phát hành cơ sở dữ liệu về hàng trăm triệu cấu trúc protein - nhiều cấu trúc trong số đó trước đây được khoa học biết đến. 

Các công ty đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán hình dạng của các protein này, những cấu trúc này như là một công cụ có thể giúp các nhà khoa học hiểu được chức năng của chúng và hỗ trợ phát triển các loại thuốc mới.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho những mô hình trình tự các protein đã biết để các hệ thống AI có thể tìm hiểu các mẫu và tạo ra các cấu trúc 3D chính xác. 

Meta cũng sử dụng các mô hình để AI bổ sung vào chỗ trống trong các chuỗi protein bị thiếu hay các đơn vị axit amin trước khi dự đoán cấu trúc của chúng.

Chỉ trong hai tuần, hệ thống của Meta đã dự đoán cấu trúc của hơn 600 triệu protein từ virus, vi khuẩn. Dữ liệu protein có thể truy cập công khai thông qua Meta's ESM Metagenomic Atlas. 

Trong khi đó, DeepMind dự đoán cấu trúc của khoảng 220 triệu protein được tìm thấy trong khoảng một triệu loài khác nhau, bao gồm thực vật, động vật, nấm và vi khuẩn.

Kính viễn vọng James Webb khai mở những góc nhìn mới về vũ trụ

Kính viễn vọng mạnh mẽ và đắt đỏ nhất thế giới James Webb đã dành nửa năm 2022 ngoài không gian để chụp những bức ảnh đầu tiên về vũ trụ. 

Bức ảnh trường sâu của vũ trụ được chụp bởi kính viễn vọng không gian James Webb.

Vào tháng 7, NASA công bố bức ảnh trường sâu của vũ trụ một cách chi tiết chưa từng có. Thomas Zurbuchen, Phó quản trị viên tại NASA, cho biết" "Đây là một hình ảnh về các thiên hà xa xôi, đại diện cho cái nhìn sâu sắc nhất về vũ trụ từ trước đến nay". 

Những hình ảnh ngoạn mục khác của JWST bao gồm bức ảnh của Tinh vân Carina hé lộ những vườn ươm sao và vành đai rõ nét của Sao Hải Vương.

Con mắt của kính viễn vọng này đã cung cấp cho các nhà khoa học những dữ liệu quan trọng để hiểu việc một ngôi sao được hình thành như thế nào hay phân tích bầu khí quyển trên các ngoại hành tinh xa xôi, như một dấu hiệu tồn tại sự sống.

Hiện tại, kính thiên văn James Webb vẫn đang thực hiện một loạt các nhiệm vụ khám phá khác từ hành tinh ngay trong Dải Ngân Hà chúng ta đến các thiên hà xa xôi cách Trái Đất hàng tỷ năm ánh sáng.