Những khám phá khoa học đáng chú ý trong năm 2022
(Dân trí) - Loài ốc nhỏ nhất thế giới được phát hiện ở Việt Nam và Lào; Tàu thám hiểm Perseverance rover khám phá phong cảnh sao Hỏa... là 2 trong số những sự kiện khoa học nổi bật trong năm 2022.
Mỗi năm, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã đóng góp nhiều vào việc tích lũy và khám phá kiến thức của nhân loại. Các nhà cổ sinh vật và khảo cổ học khám phá ra dấu vết của quá khứ, tiết lộ các hệ sinh thái và nền văn minh đã mất theo thời gian.
Các nhà thiên văn học tìm cách giải thích những bí ẩn của các thế giới khác, trong khi các nhà sinh vật học và khoa học Trái đất làm sáng tỏ hoạt động của hành tinh chúng ta và sự sống mà nó chứa đựng.
Và các nhà nghiên cứu y học nghiên cứu sự phức tạp của cơ thể con người và các bệnh đe dọa nó, phát triển các công cụ mới để bảo vệ loài người.
Những tiết lộ đến từ sự khám phá và thử nghiệm không ngừng của chúng ta thường gây bất ngờ và phi thường.
Dưới đây là một số khám phá đáng chú ý nhất trong năm.
Hóa thạch tiết lộ một khu rừng nhiệt đới thời tiền sử
Vào tháng 1/2022, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ một địa điểm thuộc Đông Nam nước Úc, nơi đây chứa những tảng đá hé lộ kinh ngạc về sự sống trong một khu rừng nhiệt đới cổ đại.
Các hóa thạch tại McGraths Flat có niên đại từ 11 triệu đến 16 triệu năm tuổi, nó đại diện cho một số hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới duy nhất được biết ở kỷ Miocen. Trong đó ẩn chứa sự tồn tại của những sinh vật nhỏ nhắn, thân mềm mại được bảo tồn một cách chi tiết bao gồm cả nhện và cá có bụng đầy muỗi vằn.
Phân tích hóa thạch, các nhà nghiên cứu thậm chí có thể nhìn thấy các lỗ chân lông của các loài vật đã từng hấp thụ carbon dioxide.
Matthew McCurry, một nhà cổ sinh vật học tại Viện Nghiên cứu Bảo tàng Úc ở Sydney và là đồng tác giả chính của nghiên cho biết: "Vì chất lượng bảo tồn tốt, chúng ta có thể nhìn vào các hệ sinh thái này chi tiết hơn bao giờ hết".
Tàu thám hiểm Perseverance rover khám phá phong cảnh sao Hỏa
Tàu thám hiểm sao Hỏa mới nhất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ, NASA tiếp tục săn lùng các dấu hiệu của sự sống cổ đại trong năm nay tại miệng núi lửa Jezero rộng khoảng 45km trên sao Hỏa, nó được hình thành từ một vụ va chạm với thiên thạch và nhiều khả năng đã từng chứa đầy nước.
Con tàu này đã phát hiện ra một vài đặc điểm trên hành tinh này khiến các nhà thiên văn tò mò như lớp phủ mỏng màu tím trên một số tảng đá gợi nhớ đến một loại vecni trên đá được hình thành ở Trái Đất bởi vi khuẩn.
Cùng với đó, con tàu còn thu thập 14 mẫu đá khác trên hành tinh Đỏ và sẽ được lưu trữ để phục vụ cho các sứ mệnh khác của NASA trong đó có nhiệm vụ trả mẫu sao Hỏa về Trái Đất để các nhà nghiên cứu thực hiện phân tích chi tiết mẫu vật này.
Ngoài ra, vào tháng 9, Perseverance rover đã bắt tay vào cuộc thám hiểm rất được mong đợi, đó là một đồng bằng sông cổ đại ở rìa miệng núi lửa nhằm tìm hiểu rõ hơn về bề mặt của hành tinh này.
"Thuyền ma" Tây Ban Nha được phát hiện trên bờ biển Oregon
Tàn tích của một con tàu ma được tìm thấy trong các hang động biển ngoài khơi Oregon - Mỹ được xác định chính là con tàu galleon huyền thoại của Tây Ban Nha, mất tích bí ẩn 300 năm trước.
Vào năm 1693, tàu Santo Cristo de Burgos, khi đang đi từ Philippines đến Mexico, chở sáp ong, gốm sứ và lụa Trung Quốc bất ngờ bị chệch hướng và biến mất.
Một tài liệu viết từ năm 1813 có kể về một tàu Tây Ban Nha bị đắm ở núi Neahkahnie trong khu vực, nhưng cũng không giúp xác định được con tàu. Nhưng có một thứ bí ẩn và thực tế khác: Những khối sáp ong không rõ nguồn gốc dạt vào bờ biển từ thế kỷ thứ 19.
Một vài mảnh sứ Trung Quốc cũng được các ngư dân thu thập được, xác định là đồ sứ từ thời Khang Hy. Điều này cho thấy chúng một là thuộc về tàu Santo Cristo de Burgos, hai là tàu San Francisco Xavier mất tích vào năm 1705.
Hồi sinh các cơ quan nội tạng đã chết
Lần đầu tiên trong y học, các nhà khoa học tại Đại học Yale, Mỹ đã hồi sinh chức năng của nhiều cơ quan của lợn bao gồm não, tim, gan và thận một giờ sau khi các con vật chết.
Mỗi năm, hàng nghìn cơ quan nội tạng người bị loại bỏ hàng năm vì chúng không được bảo quản ngay lập tức, trong khi tình trạng thiếu các cơ quan này để phục vụ việc điều trị vẫn đang diễn ra nghiêm trọng.
Trong tương lai, nghiên cứu này có thể giúp mở rộng khả năng tồn tại của các cơ quan này trên con người phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm gây ngừng tim ở lợn và để xác chết trong một giờ trước khi truyền OrganEx có chứa axit amin, vitamin, chất chuyển hóa và 13 hợp chất bổ sung vào máu của chúng.
Nhóm đã sử dụng máy móc hỗ trợ để lưu thông hỗn hợp này trong sáu giờ và nhận thấy dấu hiệu hồi sinh ở các cơ quan sắp chết, các tế bào tim bắt đầu đập, các tế bào gan hấp thụ glucose từ máu và quá trình sửa chữa DNA được nối lại.
Tuy nhiên, vẫn còn phải cần thêm thời gian để các nhà khoa học theo dõi những cơ quan này có thực sự khỏe mạnh để có thể đưa lại vào cơ thể hay không.
Và nhóm nghiên cứu sẽ cấy ghép các cơ quan được hồi sinh vào lợn sống để xem chúng hoạt động tốt như thế nào.
Núi lửa Tonga phun trào mang sức mạnh gấp 500 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima
Vào tháng 1, một ngọn núi lửa ngầm (dưới biển) ở Vương quốc Tonga, được gọi là Hunga Tonga-Hunga Ha'apai, đã gây ra một vụ phun trào không giống bất kỳ vụ phun trào nào được thấy trong những thập kỷ gần đây.
Vụ nổ đã gây ra một làn sóng áp lực trên toàn cầu và gây ra những cơn sóng thần cao chót vót.
Ngay trước khi bụi núi lửa lắng xuống, các nhà khoa học đã chạy đua để thu thập dữ liệu về những điều kỳ lạ của vụ phun trào này với hy vọng có thể hiểu rõ hơn cơ chế đằng sau vụ nổ và chuỗi hiệu ứng mạnh mẽ đáng ngạc nhiên này.
Nhà núi lửa học Janine Krippner, người đã tham gia Chương trình Núi lửa Toàn cầu của Smithsonian khi sự kiện này xảy ra, cho biết: "Mọi thứ cho đến nay về vụ phun trào này đều kỳ lạ ngoài quy mô và sức tưởng tượng".
James Garvin, nhà khoa học tại Trung tâm Du hành không gian Goddard của NASA cho biết, vụ phun trào có sức mạnh tương đương 10 triệu tấn TNT (10 megaton TNT), gấp hơn 500 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật vào cuối Thế chiến 2.
Theo các nhà nghiên cứu, vụ phun trào đã khai quật hàng triệu khối đá từ đáy biển, khiến nó trở thành vụ nổ núi lửa lớn nhất trong một thế kỷ.
Vụ nổ cũng giải phóng những trận "tuyết lở" tro nóng và đống đổ nát núi lửa được gọi là dòng chảy pyroclastic chạy dọc theo đáy biển ít nhất 80km.
Loài ốc nhỏ nhất thế giới được phát hiện ở Việt Nam và Lào
Trong khi tìm kiếm động vật sống dưới đất ở Lào và Việt Nam, các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra một số loài ốc mới, hai trong số chúng nhỏ hơn bất kỳ loài nào từng thấy trước đây.
Họ đặt tên cho chúng cái tên là "psammion" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là "hạt cát".
Loài này sống trong các bức tường ở các hang động Việt Nam và chỉ có đường kính chỉ 0,6 mm.
Loài ốc còn lại lớn hơn một chút và được khai quật trong một hẻm núi đá vôi của Lào và được đặt tên là A. coprologos, từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "người hái lượm".
Biến đổi khí hậu đang đe dọa sức khỏe của chúng ta
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về những rủi ro sắp tới của biến đổi khí hậu đối với con người và môi trường trên Trái Đất.
Một số mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt đã xuất hiện trong năm nay, bao gồm cả tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.
Theo một báo cáo của Hội đồng liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố, đến năm 2100, 3/4 số người trên Trái Đất có thể thường xuyên bị tác động bởi nhiệt độ cao.
Đồng thời, con người cũng phải đối mặt với những tổn thương phổi gia tăng do ô nhiễm không khí và xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm hơn từ những loài động vật hút máu như muỗi và ve, khi chúng lây lan sang các khu vực mới.
Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh, sự cần thiết chính là phải cắt giảm nhanh chóng và tích cực lượng khí thải vào môi trường và con người cần học cách thích nghi với một thế giới nóng hơn, trước khi các mối đe dọa sức khỏe liên quan đến khí hậu trở nên tồi tệ hơn.
(Còn nữa)