Tìm ra nguồn gốc tín hiệu lạ gửi từ bên ngoài hệ Mặt Trời
(Dân trí) - Những tín hiệu đầy bí ẩn được gửi về từ tàu vũ trụ Voyager 1 đã được làm sáng tỏ nhờ một tài liệu 45 năm tuổi.
Tháng 5/2022, các nhà khoa học đã thực sự bối rối khi nhận được những đoạn dữ liệu lạ do hệ thống AACS trên tàu Voyager-1 của NASA gửi về.
Bản thân con tàu này đã thiết lập cột mốc lịch sử, khi vượt ra xa ngoài Hệ Mặt Trời, cách Trái Đất xấp xỉ 23,5 tỷ km, và tiếp tục cuộc hành trình không có hồi kết.
Mới đây nhất, NASA cho biết nhóm kỹ sư của họ đã giải mã được đoạn dữ liệu bí ẩn nêu trên. Hóa ra, Voyager-1 truyền dữ liệu về qua một chiếc máy tính đã bị trục trặc, khiến đầu ra dữ liệu bị sai lệch.
Thông tin này chỉ được xác nhận sau khi nhóm nghiên cứu tìm thấy một tài liệu hướng dẫn có tuổi đời 45 năm bị thất lạc, có chứa nội dung về cách thức hoạt động của các thiết bị trên tàu Voyager-1.
Nhận định này được cơ quan vũ trụ xác nhận do những hư hại của hệ thống trên tàu vũ trụ Voyager-1 về cơ bản là hoàn toàn có thể xảy ra. Con tàu này được thiết kế cách đây gần 5 thập kỷ, và đã hoạt động trên không gian suốt 45 năm.
"Không ai nghĩ rằng tàu sẽ tồn tại lâu như vậy," Suzanne Dodd, giám đốc dự án tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cho biết. "Và sau tất cả, nó vẫn hoạt động".
Tuy nhiên, do tàu sở hữu tuổi đời khá lớn, cũng như việc thất lạc tài liệu hướng dẫn từ những năm 1970 khiến cho việc tìm ra nguồn gốc đoạn dữ liệu sai lệch trở nên khó khăn hơn.
Giám đốc dự án Suzanne Dodd cho biết thêm, trong suốt 12 năm đầu của sứ mệnh du hành vũ trụ, đã có hàng nghìn kỹ sư đã làm việc trong dự án. Tuy nhiên khi họ nghỉ hưu vào những năm 1970, 1980, các tài liệu dần bị thất lạc do việc xây dựng kho lưu trữ dữ liệu về dự án này gần như bị bỏ ngỏ.
Trong các nhiệm vụ sau này, NASA đã rút kinh nghiệm và xây dựng hệ thống lưu giữ hồ sơ, tài liệu một cách cẩn thận và hiện đại hơn.