1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Nguyên nhân xảy ra nồm ẩm ướt rượt sàn nhà và cách khắc phục

Minh Khôi

(Dân trí) - Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang hứng chịu kiểu thời tiết nồm ẩm đặc trưng, khiến sàn, tường nhà và đồ vật đọng nước, gây mất vệ sinh và có hại tới sức khỏe.

Nồm ẩm - dạng thời tiết khó chịu nhất trong năm

Nguyên nhân xảy ra nồm ẩm ướt rượt sàn nhà và cách khắc phục - 1

Thời tiết nồm ẩm khiến sàn nhà đọng nước, trơn trượt.

Nồm - hay nồm ẩm, là hiện tượng thời tiết khá đặc trưng, thường xảy ra ở các địa phương miền Bắc nước ta vào thời gian cuối mùa Đông - đầu mùa Xuân, tức là trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. 

Vào thời điểm này, hơi nước trong không khí thường bị ngưng tụ và đọng sương trên bề mặt nền, sàn, tường nhà và đồ vật, gây ẩm ướt rất mất vệ sinh và tác hại không nhỏ đến sức khỏe con người cũng như độ an toàn của các trang thiết bị trong nhà. 

Hiện tượng thời tiết nồm ẩm đã được nhiều nhà khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu và lý giải nguyên nhân. Theo đó, hiện tượng xảy ra khi đón nhận những đợt gió mang theo không khí ẩm từ biển thổi vào đất liền.

Khối không khí này có nhiệt độ điểm sương tương đối cao. Do đó, trong lúc nhiệt độ mặt sàn vẫn còn thấp, chưa kịp tăng theo nhiệt độ không khí, đã xảy ra hiện tượng đọng sương.

Lúc này, tùy theo chênh lệch nhiệt độ giữa mặt nền với nhiệt độ điểm sương của không khí, mà mức độ của hiện tượng đọng sương càng xảy ra nhiều hay ít. Trong đó, nhiệt độ mặt nền càng thấp so với nhiệt độ điểm sương thì mặt nền càng bị ướt nhiều, thậm chí sũng nước.

Thời gian duy trì của kiểu thời tiết này cũng rất khác nhau, với mỗi đợt trung bình từ một vài ngày đến hàng tuần lễ. Thông thường, một kỳ nồm ẩm chỉ kết thúc khi có gió lạnh và khô từ phía Bắc thổi về. Mỗi năm có thể xảy ra vài ba đợt như vậy hoặc nhiều hơn tùy theo thời tiết của năm đó.

Tác hại của nồm

Nguyên nhân xảy ra nồm ẩm ướt rượt sàn nhà và cách khắc phục - 2

Nấm mốc mọc trên tường do tác hại của độ ẩm không khí tăng cao.

Hiện tượng nồm ẩm xuất hiện cùng với độ ẩm không khí tăng cao, gây cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể. Đặc biệt là những gia đình sống ở mặt đất có thể cảm nhận rõ rệt điều này. Mùi quần áo bẩn, kể cả quần áo đã giặt mà không thể khô, mùi ẩm mốc từ chăn, đệm, tường… cũng góp phần làm tăng cảm giác khó chịu.

Thời tiết ẩm cũng làm sàn nhà đọng nước, trơn trượt có thể làm cho trẻ em và người già té ngã gây chấn thương. Độ ẩm cao còn tạo điều kiện tốt cho các vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, sâu bọ… phát triển, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp (bệnh viêm mũi họng cấp tính, viêm phế quản cấp, viêm phổi), nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, một số bệnh ngoài da và gia tăng tình trạng dị ứng.

Thời tiết nồm làm kích thích xuất hiện các đợt bùng phát và làm tăng mức độ trầm trọng của một số bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. 

Ngoài ra, với thiết bị điện tử, khi độ ẩm cao rất dễ gây chập cháy, hư hỏng. Đối với các công trình, nồm ẩm gây nấm mốc, hoen ố, han rỉ... dẫn tới giảm chất lượng công trình một cách rõ rệt.

Giải pháp chống nồm

Nguyên nhân xảy ra nồm ẩm ướt rượt sàn nhà và cách khắc phục - 3

Dùng giẻ khô để lau các vệt nước đọng lại do nồm ẩm được xem là cách khắc phục thụ động hiệu quả.

Khi nhà đã bị nồm, thường chỉ có thể tìm những biện pháp khắc phục, giảm nhẹ hiện tượng chứ không loại được bỏ hoàn toàn. Cách đơn giản nhất là hạ điểm sương của không khí trong nhà, bằng cách đóng kín cửa, bịt các kẽ hở để hạn chế không khí ẩm vào nhà.

Nhiều người có quan niệm sai lầm, đó là mở cửa đón gió vào sẽ làm cho nhà khô và thoáng hơn. Trên thực tế, nếu làm theo cách này, gió mang theo hơi nước, mang không khí ẩm vào nhà sẽ khiến mức độ ẩm, ướt thêm trầm trọng.

Nếu sàn nhà bị ướt, có thể lau bằng giẻ khô. Đây được xem là một trong những biện pháp thụ động hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cần lưu ý không dùng giẻ ướt vì có thể làm tăng thêm độ ẩm không khí. Ngoài ra, các thiết bị lọc không khí, hút ẩm, máy điều hòa, thậm chí máy sưởi có thể được sử dụng để đối phó với kiểu thời tiết nồm ẩm.

Với các thiết bị điện tử, máy ảnh... cần đặt thêm gói hút ẩm, hoặc cho vào tủ chống ẩm để bảo quản.