Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao khi ăn nhiều chất béo bão hòa

(Dân trí) - Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ thường xuyên nhiều chất béo bão hòa có thể tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Những loại chất béo này nên được thay thế bằng chất béo chưa bão hòa, carbohydrate ngũ cốc toàn phần hoặc đạm thực vật để phòng ngừa bệnh tim mạch.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao khi ăn nhiều chất béo bão hòa - 1

Các kết quả cho thấy, việc thay thế 1% năng lượng ăn vào hàng ngày từ nhóm kết hợp các axit béo bão hòa chính với năng lượng tương đương từ các chất béo không bão hòa đa, chất béo không bão hòa đơn, carbohydrate ngũ cốc toàn phần hoặc đạm thực vật có thể giảm 6-8% nguy cơ mắc bệnh tim vành.

Geng Zong, nghiên cứu sinh từ Trường Y tế công cộng TH Chan, Harvard nói: “Các khuyến nghị chế độ ăn nên coi việc thay thế chất béo bão hòa toàn phần bằng chất béo không bão hòa hoặc carbohydrate ngũ cốc toàn phần là một phương pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh tim”. Đối với nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 2 nghiên cứu thuần tập theo chiều dọc của Mỹ bao gồm 73.147 phụ nữ từ năm 1984-2012 và 42.635 đàn ông từ 1986-2010.

Các kết quả chỉ ra rằng, các axit béo bão hòa chính được sử dụng phổ biến nhất là axit lauric, axit myristic, axit palmitic và axit stearic, chiếm khoảng 9-10% năng lượng toàn phần ở những người tham gia. Mỗi một loại axit béo bão hòa này đều có liên quan tới tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ giảm khi thay thế các axit béo bão hòa bằng các chất dinh dưỡng lành mạnh hơn.

Với mỗi 1% năng lượng thay thế, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm 23 trường hợp/100.000 người/năm với chất béo không bão hòa đa, 15 trường hợp/100.000 người/năm với chất béo không bão hòa đơn, 18 trường hợp/100.000 người/năm với carbohydrate ngũ cốc toàn phần và 20 trường hợp/100.000 người/năm với đạm thực vật. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí The BMJ.

Hà Ngân (Theo THS)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm