1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Nam Đại Dương - "Đại dương thứ 5" của Trái đất chính thức được công nhận

Minh Khôi

(Dân trí) - Tổ chức National Geographic Society vừa chính thức công nhận đại dương thứ 5 mang tên "Nam Đại Dương" (Southern Ocean).

Nam Đại Dương - Đại dương thứ 5 của Trái đất chính thức được công nhận - 1

Hiệp hội Địa lý Quốc gia chính thức chỉ định vùng biển xung quanh Nam Cực có tên gọi là Nam Đại Dương.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Đại dương Thế giới 8/6, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society) đã tuyên bố vùng nước xung quanh Nam Cực là đại dương thứ năm của hành tinh.

Lý do hình thành vùng biển riêng là bởi trong những năm gần đây, giới khoa học đã phát hiện các dòng hải lưu độc đáo ở vùng biển này, tạm gọi là Hải lưu vòng Nam Cực.

Sự xuất hiện của các dòng chảy làm nước lạnh hơn và độ mặn bị giảm, giúp lưu trữ carbon sâu trong đại dương và có tác động lớn đến khí hậu Trái đất.

Dựa theo ghi chép của những chuyên gia từng tiến vào Nam Đại Dương, thì vùng biển này có vẻ đẹp khác biệt hơn so với những nơi khác. Cụ thể, các sông băng có màu xanh thẫm hơn, những ngọn núi sắp xếp hiểm trở hơn và gió cũng lạnh hơn.

Đây cũng là nơi có hệ sinh thái phong phú, ảnh hưởng chung đến nhiều hệ sinh thái ở các vùng khác.

Nam Đại Dương - Đại dương thứ 5 của Trái đất chính thức được công nhận - 2

Trên thực tế, "đại dương mới" vốn đã được giới khoa học ngầm gọi tên từ lâu, nhưng chưa bao giờ được chính thức công nhận vì không có thỏa thuận quốc tế liên quan tới khu vực này.

Nó bao gồm một vùng nước rộng lớn bao quanh cực Nam của Trái đất, trước đây được coi là phần mở rộng của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ hy vọng việc hình thành nên vùng biển mới, cũng như bản đồ được sửa đổi sẽ giúp mọi người có nhìn nhận khác về Nam Đại Dương, từ đó khuyến khích việc bảo tồn hệ sinh thái và các loài động vật ở khu vực này.

"Việc công nhận tên gọi Nam Đại Dương phù hợp với quan điểm của hiệp hội. Chúng tôi muốn bảo tồn các đại dương trên thế giới và hướng nhận thức của cộng đồng vào một khu vực cần được bảo tồn", Alex Tait - nhà địa lý thuộc Hiệp hội cho biết.