Phát hiện sinh vật kỳ lạ nằm sâu dưới lớp băng Nam Cực khiến giới khoa học "hoang mang"
Khoan sâu xuồng lớp băng ở Nam Cực, một loài sinh vật sống chưa từng được biết đến đột nhiên xuất hiện khiến các nhà khoa học bối rối.
Huw Griffiths - nhà nghiên cứu sinh vật biển - cho biết, khi nhóm của mình khoan sâu 900 mét dưới thềm băng Filchner Ronne ở Nam Cực, họ tình cờ phát hiện loài sinh vật rất bất thường.
"Chúng bám chặt vào đá, sống trong bóng tối và nhiệt độ cực thấp", ông Huw Griffiths nói.
Phát hiện của Huw Griffiths được đăng trên tạp chí khoa học Frontiers in Marine Science (Thụy Sĩ).
Theo ông Griffiths, sinh vật mình cùng các đồng nghiệp vừa phát hiện không giống với bất cứ loài nào từng được con người biết đến trước đây.
"Sự tồn tại của loài sinh vật này phá vỡ quy luật tự nhiên. Chúng không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cũng không có bất cứ nguồn thức ăn nào sâu dưới lớp băng ở Nam Cực", ông Griffiths cho hay.
Đây là lần đầu tiên giới khoa học phát hiện sự tồn tại của loài một sinh vật không di chuyển, nhìn khá giống bọt biển, nằm sâu dưới lớp băng Nam Cực. Loài sinh vật này bám vào một tảng đá và gần như không cần thức ăn hay ánh sáng để duy trì sự sống.
Dưới những lớp băng khổng lồ ở Nam Cực là một trong những môi trường sống ít được biết đến nhất thế giới.
Phát hiện của ông Griffiths khiến giới khoa học bối rối khi nghiên cứu về sinh vật mới.
Liên tiếp các câu hỏi đặt ra khó có thể giải thích, ví dụ như làm thế nào sinh vật này xuất hiện sâu dưới lớp băng Nam Cực? Chúng ăn gì? Chúng đã ở đó bao lâu? Chúng tự hình thành hay ai đã mang chúng đến Nam Cực?
"Nếu được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và có nguồn thức ăn dồi dào, tôi tin rằng loài sinh vật này sẽ phát triển mạnh mẽ. Con người có thể học hỏi loài sinh vật đặc biệt này về cách chúng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt", ông Griffiths nói.