Mô-đun vũ trụ của Nga trục trặc, làm lệch vị trí Trạm vũ trụ quốc tế
Ngày 29/7, các phi hành gia Nga trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) báo cáo với trạm kiểm soát dưới mặt đất ở Mátxcơva về sự cố xảy ra với mô-đun Nauka của Nga.
Các phi hành gia đã gắn cờ khởi động lại các động cơ của Nauka ngoài dự kiến, RIA dẫn các cuộc trao đổi giữa nhóm phi hành gia với trạm điều khiển trên mặt đất cho biết.
Tình huống này không gây nguy hiểm cho các phi hành gia, RIA dẫn lời một quan chức NASA nói trong bản tin, và cho biết các động cơ của Nauka đã được tắt.
Trụ sở của Cơ quan vũ trụ Mỹ tại Houston, Texas, nói với các phi hành gia rằng việc khởi động lại động cơ của Nauka ngoài kế hoạch đã thay đổi vị trí của ISS trong vũ trụ.
Các động cơ của một mô-đun khác trên trạm vũ trụ được kích hoạt lại nhằm đưa ISS về vị trí cũ, RIA dẫn lời các chuyên gia ở Houston cho biết. Các chuyên gia gọi đó là "màn kéo co" giữa hai mô-đun.
Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos nói rằng sự cố mà các động cơ của Nauka gặp phải là do nhiên liệu còn sót lại trong tàu, TASS đưa tin.
"Quy trình chuyển mô-đun Nauka từ chế độ bay sang chế độ cập bến ISS đang được triển khai. Công việc đang được tiến hành với nhiên liệu còn sót lại trong mô-đun", TASS dẫn thông báo từ Roscosmos cho biết.
Ngày 29/7, mô-đun Nauka mới cập bến ISS sau hành trình căng thẳng từ Trái đất. Mô-đun này dự kiến sẽ đóng vai trò như một phòng thí nghiệm và nơi lưu trữ.
Buổi truyền hình trực tiếp chuyến bay lên của mô-đun này cho thấy nó cập bến ISS muộn hơn vài phút so với kế hoạch.
"Theo số liệu từ xa và báo cáo từ các phi hành gia ISS, các hệ thống trên khoang của trạm và mô-đun Nauka đang hoạt động bình thường", Roscosmos nói trong một thông cáo.
"Đã có liên lạc!!!" ông Dmitry Rogozin, giám đốc Roscosmos, viết trên Twitter vài phút sau khi Nauka cập bến.
Sau khi được phóng lên từ trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan, mô-đun Nauka gặp hàng loạt trục trặc, gây lo ngại về nguy cơ cập bến ISS không suôn sẻ.