Miếng dán trong suốt có khả năng phát hiện thực phẩm không an toàn

(Dân trí) - Một nhóm các nhà khoa học bao gồm các kỹ sư cơ khí và hóa học với các nhà sinh hóa thuộc trường Đại học McMaster, Canada đã hợp tác để thử nghiệm và phát triển một miếng dán trong suốt được gắn các phân tử vô hại có khả năng phát ra những tín hiệu cảnh báo trong trường hợp thực phẩm bị ô nhiễm.

Miếng dán có thể được gắn trực tiếp lên bao bì thực phẩm vì đây là vị trí lý tưởng để nó có thể theo dõi dấu hiệu của sự xuất hiện các mầm bệnh như vi khuẩn E. coli và Salmonella gây tiêu chảy. Công nghệ mới là câu trả lời cụ thể, chắc chắn cho câu hỏi tuy tế nhị nhưng lại có ý nghĩa quan trọng về mức độ vệ sinh an toàn của thực phẩm tươi sống như thịt và các loại thực phẩm khác.


Nhà nghiên cứu Hanie Yousefi và Thid Didar kiểm tra một miếng dán trong suốt, có thể được sử dụng trong bao bì để phát hiện các mầm bệnh trên thực phẩm.

Nhà nghiên cứu Hanie Yousefi và Thid Didar kiểm tra một miếng dán trong suốt, có thể được sử dụng trong bao bì để phát hiện các mầm bệnh trên thực phẩm.

Trong tạp chí nghiên cứu ACS Nano, công nghệ mới được mô tả và đánh giá là có tiềm năng thay thế cho hạn "best before" - hạn sử dụng thường thấy trên các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp hoặc thức ăn khô, các thực phẩm có thể để được lâu nhằm chỉ chất lượng của thực phẩm hơn là mức độ an toàn. Khi đọc loại hạn sử dụng này có nghĩa là sản phẩm có thể để đến ngày cuối cùng mà vẫn đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Tác giả nghiên cứu Hanie Yousefi, nghiên cứu sinh và trợ lý nghiên cứu Khoa Kỹ thuật, McMaster cho biết: "Trong tương lai, khi bạn đi đến một cửa hàng và muốn chắc chắn về mức độ vệ sinh an toàn của loại thực phẩm bạn muốn mua tại bất kỳ thời điểm nào trước khi sử dụng, bạn có thể sử dụng phương pháp mới được đánh giá là đáng tin cậy hơn nhiều so với ngày hết hạn".

Khi có dấu hiệu về sự xuất hiện của một mầm bệnh bên trong thực phẩm hoặc đồ uống, nó sẽ kích hoạt một tín hiệu trong bao bì thông qua một ứng dụng được cài đặt sẵn trong điện thoại thông minh hoặc các thiết bị đơn giản khác. Quá trình kiểm tra hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Theo công bố mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 600 triệu người mắc các bệnh do tiêu thụ các loại thực phẩm ô nhiễm, trong đó, có khoảng 420.000 ca tử vong. Đáng chú ý, gần 1/3 số ca tử vong là trẻ em trong độ tuổi từ năm trở xuống.

Các nhà nghiên cứu đặt tên cho vật liệu mới là "Sentinel Wrap" để tôn vinh mạng lưới Sentinel Bioactive Paper của McMaster vốn là một mạng lưới nghiên cứu liên ngành làm việc trên các hệ thống phát hiện dựa trên giấy. Từ nghiên cứu của mạng lưới dẫn đến sự ra đời của công nghệ thử nghiệm thực phẩm mới. Kỹ sư hóa học Carlos Filipe và kỹ sư sinh y học cơ khí Tohid Didar đã hợp tác chặt chẽ với dự án nghiên cứu công nghệ mới này.

Filipe, Chủ tịch Phòng Kỹ thuật Hóa học của McMaster, chia sẻ: "Yingfu Li là người đã tìm ra chiếc chìa khoá, còn chúng tôi tạo ra ổ khóa và một cánh cửa tương ứng đi kèm”. Công nghệ phát tín hiệu để kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm được phát triển trong phòng thí nghiệm hóa sinh của nhà hóa sinh Yingfu Li.

Các chuyên gia cho biết điều kiện sản xuất ra thiết bị miếng dán tương đối đơn giản, chi phí rẻ, do các phân tử ADN phát hiện các mầm bệnh trong thực phẩm có thể dễ dàng được gắn trên vật liệu thử.

Didar, trợ lý giáo sư về kỹ thuật cơ khí đồng thời là thành viên của Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm McMaster, cho biết: "Bất kỳ một nhà sản xuất thực phẩm nào cũng có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất”.

Nhóm nghiên cứu cho biết để đưa sáng chế đến với thị trường cần một đối tác thương mại cũng như chấp thuận quy định. Họ chỉ ra rằng công nghệ trên cũng có thể được áp dụng trong các ứng dụng khác, chẳng hạn như miếng dán hiển thị dấu hiệu nhiễm trùng của vết thương hoặc để bọc dụng cụ phẫu thuật để đảm bảo duy trì trạng thái vô trùng của những dụng cụ đó.

K.L-NASATI (Theo phys)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm