1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Lý giải việc WHO quyết định không tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về virus corona mới

(Dân trí) - Nhiều người vô cùng bất ngờ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không tuyên bố sự bùng phát virus corona mới ở Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấpở phạm vi quốc tế (PHEIC).

Đến nay, báo cáo chính thức cho biết đã có người bệnh ở nhiều nước châu Á, Trung Đông, châu Âu, Úc và Mỹ

Lý giải việc WHO quyết định không tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về virus corona mới - 1

Nhiều người băn khoăn không biết tình hình phải tồi tệ đến đâu thì mới được coi là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhưng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO – cho biết tổ chức này không thể dễ dàng đưa ra những tuyên bố như vậy.

Lý giải việc WHO quyết định không tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về virus corona mới - 2

Khẩu trang được bán ở Singapore trong tình hình lo ngại về vi rút Vũ Hán.

Khái niệm về việc WHO tuyên bố tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp toàn cầu lần đầu tiên xuất hiện sau sự kiện bùng nổ vi rút corona SARS vào năm 2003. Đợt bùng phát cuối năm 2019 lần này khởi nguồn từ một chợ động vật, nơi có những người tiếp xúc với phân động vật nhiễm vi rút làm cho vi rút lây sang người. Không giống với tình hình hiện nay, đại dịch SARS đã tiến triển ở Trung Quốc nhiều tháng, sau đó chính quyền mới thừa nhận là họ gặp khó khăn. Khi đó, nạn SARS đã nằm trong tầm kiểm soát, có hơn 8.000 trường hợp mắc và 700 người chết ở 37 nước. WHO đã quyết định tuyên bố nạn SARS khi đó là một PHEIC theo Điều lệ Y tế quốc tế 2005 để giúp kiểm soát tình hình.

Trước đó, theo biện pháp đã tồn tại suốt 150 năm, dịch tả, dịch hạch và sốt vàng đã được kiềm chế nhờ cách ly và cấm vận trong phạm vi biên giới quốc gia. Khung pháp lý năm 2005 tập trung vào kiềm chế đợt bùng phát tại nguồn, nhấn mạnh vào tình trạng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Điều này đòi hỏi các nước duy trì các “năng lực cốt yếu” cần thiết, như là khả năng chẩn đoán các trường hợp nhiễm và cách ly bệnh nhân. Và không chỉ có khả năng báo cáo về các bệnh đã được xác định cụ thể mà họ còn có thể báo cáo về những loại hình sức khỏe cộng đồng bất thường, ví dụ như việc tăng đột ngột số lượng bệnh nhân có triệu chứng hô hấp nghiêm trọng.

WHO sẽ tuyên bố PHEIC khi có một “sự kiện cực kỳ bất thường được xác định, để tuyên bố với các nước khác về nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng thông qua sự lan truyền xuyên quốc gia của bệnh dịch”.

Lý do của việc cần thận trọng khi đưa ra tuyên bố một tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp toàn cầu là vì nó có thể ảnh hưởng không cần thiết đến giao thương và du lịch và ám chỉ một đất nước không thể tự khống chế bệnh tật. Nhưng với việc Trung Quốc đã phong tỏa các thành phố để cách ly 41 triệu người ở 13 thành phố thì khó có thể dẫn đến việc WHO xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Cho đến nay, WHO đã 5 lần tuyên bố PHEIC. Đó là đại dịch H1N1 năm 2009, sự quay trở lại của bệnh bại liệt trẻ em năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, tình trạng khẩn cấp do Zika năm 2015-2016 và mới nhất là việc bùng nổ Ebola ở Kivu năm 2018-2019.

Lý giải việc WHO quyết định không tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu về virus corona mới - 3

Không phải là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu – Tổng giám đốc WHO nói – ít nhất là vẫn chưa phải vậy.

Như ông Tedros đã nhấn mạnh, ngay cả khi không có tuyên bố là PHEIC thì cũng đã có những hành động được phối hợp ở tầm quốc tế trước sự bùng nổ của vi rút corona hiện nay. Trung Quốc cũng đã nhanh chóng báo cáo về đợt bùng phát này và chia sẻ tất cả những thông tin họ có.

Nhờ có sự chia sẻ thông tin sớm này, các nhà phân tích đã dự đoán rằng tổng số ca nhiễm vi rút rất có thể đã lên đến hàng chục nghìn người (chứ không chỉ hơn 5.000 ca đã được công bố chính thức). Các nhà khoa học Trung Quốc đã khẩn trương lập bản đồ gen của vi rút mới này và ngay lập tức công bố thông tin, nhờ đó các nước khác có thể tiếp tục phát triển các xét nghiệm chẩn đoán.

Các biện pháp cách ly mà chính quyền Trung Quốc áp dụng cho thấy sự quyết tâm của họ để khống chế sự lây lan vi rút, cho dù việc cách ly chừng đó con người là có thể làm được hay không và có thực sự hiệu quả để kiểm soát được bệnh dịch này hay không vẫn chưa chắc chắn.

Ở một số nước, hành khách trên các chuyến bay trực tiếp đến từ Vũ Hán đã được kiểm tra sức khỏe, được cung cấp thông tin về cách xử trí khi thấy bất thường. Hiện nay các chuyến bay trực tiếp như vậy đã được ngừng, nhưng các biện pháp tương tự cần được áp dụng cho các chuyến bay khác đến từ Trung Quốc.

Những câu hỏi chưa được trả lời

Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn còn đó, mà câu trả lời sẽ là chìa khóa cho việc WHO tiếp tục tranh luận xem có tuyên bố PHEIC hay không trong vài tuần tới.

Điều đã rõ ràng là vi rút này đang lây từ người sang người, nhiều nhân viên y tế và người thân đã bị lây từ người bệnh. Điều chưa rõ là mức độ lây nhiễm cao đến đâu, mức độ lây thứ cấp từ người thứ hai sang người thứ 3, 4, 5 ra sao.

Các nhà khoa học dùng thuật ngữ Ro để mô tả mức độ dễ lây lan vi rút và mức này càng cao thì cơ hội bùng phát lây lan càng xa và càng nhanh. Tình trạng bệnh nghiêm trọng đến đâu cũng là điều quan trọng. Tính đến ngày 26/1/2020, đã có 56 người chết trong tổng số 2.014 người nhiễm (2,8%) và đến ngày 29/1/2020 đã có 131 người trên tổng số 5.496 người nhiễm (2,4%). Dịch SARS trước đây có tỷ lệ tử vong gần 10%. Nếu vi rút corona mới lây lan nhanh chóng nhưng có tỷ lệ tử vong thấp thì mối lo ngại vẫn ít hơn so với SARS.

Các nhà khoa học Trung quốc đang tiến hành các xét nghiệm để xác định loài vật nào ở chợ động vật tươi sống Vũ Hán là nguồn lây truyền vi rút. Người ta cũng đặt câu hỏi liệu các quy định đảm bảo an toàn cho người có được tuân thủ hay không. Sau đợt bùng phát năm 2003, các quy định tạm thời đã được bắt buộc áp dụng để ngăn chặn việc mua bán động vật ngoại lai như là cầy hương, đây là loài lây truyền vi rút corona SARS, nhưng các chợ động vật tươi sống đông đúc nhộn nhịp lại rất phổ biến ở châu Á.

Hàng năm trên thế giới có hàng trăm nghìn người chết vì cúm. Vì thế, chúng ta cần hết sức cảnh giác trước tình hình bùng phát và lây lan vi rút này, nhưng đồng thời cũng nên tin tưởng ở những hành động mà các nhà khoa học và các quan chức ngành y tế trên khắp thế giới hiện đang tiến hành, cho dù WHO có tuyên bố đây là một tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hay không.

Phạm Hường 

Tổng hợp