Lời cảnh báo đáng sợ từ tổ tiên lộ ra dưới những lòng sông cạn ở châu Âu
Những viên "đá đói" được con người chạm khắc từ nhiều thế kỷ trước, đưa ra lời cảnh báo cho các thế hệ tương lai về thời kỳ khó khăn phía trước.
Hạn hán kéo dài ở châu Âu đã làm lộ ra những viên "đá đói" dưới đáy sông, những phiến đá được con người chạm khắc từ nhiều thế kỷ trước để đưa ra lời cảnh báo cho các thế hệ tương lai về thời kỳ khó khăn phía trước.
Tờ Miami Herald đưa tin, người dân địa phương cho biết những tảng đá có tuổi đời hàng thế kỷ, được gọi là "đá đói", đã xuất hiện trở lại vào tuần trước khi các con sông ở châu Âu cạn kiệt do điều kiện hạn hán.
"Đá đói" là cách gọi những tảng đá và vách ven sông, trên đó hằn lại niên đại qua dấu mức nước. Chúng như lời cảnh báo về những thời kỳ khó khăn sắp tới do sự cạn kiệt của những con sông. Nếu dòng chảy khô cạn để lộ ra dấu hiệu như vậy thì đây là dấu hiệu của các thiên tai hạn hán, mất mùa, đói kém.
Các nhà sử học xác nhận rằng những dấu vết đầu tiên trên những tảng "đá đói" xuất hiện từ thế kỷ 15.
Qua chặng dài nhiều thế kỷ, "đá đói" thường được nhắc đến trên báo chí như là những điềm gở báo trước những thảm họa lớn. Ví dụ, trong thế kỷ XX, đá đã trồi lên từ dưới nước vào năm 1918, trong Thế chiến I.
Một tảng đá như vậy nằm trên bờ sông Elbe, bắt đầu từ Cộng hòa Séc và chảy qua Đức có từ năm 1616 và được khắc một lời cảnh báo bằng tiếng Đức: "Wenn du mich seehst, dann weine" - "Nếu bạn nhìn thấy tôi, thì hãy khóc", theo bản dịch của cụm từ này trên Google.
Olaf Kens, nhà báo Hà Lan của kênh truyền hình RTL cũng viết trên trang Twitter cá nhân về sự xuất hiện của những viên đá như vậy.
"Kinh hoàng. Do hạn hán ở các con sông ở châu Âu, những viên đá đói đã lộ mặt. Tái hiện những lời cảnh báo khủng khiếp của tổ tiên chúng ta ở thế kỷ 15 về thảm họa", - nhà báo phản ánh.
Trong một nghiên cứu năm 2013, một nhóm các nhà nghiên cứu người Séc đã viết rằng những tảng đá này "được đục đẽo trong những năm tháng gian khổ và chữ viết tắt của các tác giả đã được lưu lại trong lịch sử", nói thêm rằng "nội dung những dòng chữ cơ bản cảnh báo về hậu quả của hạn hán."
Các nhà nghiên cứu viết: "Nó cho thấy rằng hạn hán đã mang lại mùa màng thất bát, thiếu lương thực, giá cả cao và đói kém cho người dân nghèo. Trước năm 1900, các trận hạn hán trong các năm được khắc lại trên đá: 1417, 1616, 1707, 1746, 1790, 1800, 1811, 1830, 1842, 1868, 1892 và 1893."
NPR đưa tin những "mốc thủy văn" này xuất hiện lần cuối trong đợt hạn hán năm 2018.
Theo Andrea Toreti, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu, đợt hạn hán hiện tại mà châu Âu đang trải qua có thể là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm tới.
Ông nói thêm rằng có "nguy cơ rất cao về tình trạng khô hạn" tiếp tục diễn ra trong ba tháng tới.
Ngày càng nhiều nhóm nghiên cứu khẳng định rằng hạn hán thường xuyên và khốc liệt hơn là do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao gây ra những thay đổi về lượng mưa và tăng cường bốc hơi.
Theo Đài quan sát hạn hán châu Âu, 47 % châu Âu đang trong tình trạng cảnh báo hạn hán, có nghĩa là đất bị thâm hụt độ ẩm; 17 % khác đang trong tình trạng báo động, có nghĩa là thảm thực vật đang bị căng thẳng.
Những tảng đá không phải là di vật ẩn duy nhất nổi lên ở các con sông ở châu Âu do hạn hán. Nước rút do biến đổi khí hậu ở sông Po của Ý cũng tiết lộ một loạt các kho báu khảo cổ học.
Xác tàu đắm của một chiếc sà lan thời Thế chiến II lại nổi lên vào tháng 6 sau khi con sông - lớn nhất đất nước - xuống mức thấp trong đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua.
Gần đây hơn, vào cuối tháng 7, dòng sông khô hạn ở Ý đã tiết lộ một quả bom nặng 1.000 pound bị nhấn chìm trước đó từ Thế chiến thứ hai.
Một quan chức địa phương nói với Reuters : "Quả bom được ngư dân tìm thấy trên bờ sông Po do mực nước giảm do hạn hán" .
Các chuyên gia đã loại bỏ nó một cách an toàn.