Loài chim với ngoại hình kỳ quái, như bước ra từ phim hoạt hình
(Dân trí) - Giống chim bồ câu quý hiếm, nổi tiếng với vẻ ngoài kỳ dị, dễ khiến chúng ta liên tưởng đến bức vẽ về người ngoài hành tinh với đôi mắt lồi, chiếc mỏ cực ngắn và khối đầu hình tam giác.
Cách đây gần một thế kỷ, anh em nhà Poltl, một gia đình ở Budapest (Hungary) với niềm đam mê chim bồ câu đã bắt đầu nghiên cứu để lai tạo ra một giống chim mới.
Với sở thích nuôi chim rồi đem chúng đi đua trên các chặng đường dài, họ đã thành công với một loài chim bồ câu mới có sức bền vô song, và tốc độ đáng kinh ngạc. Với tên gọi là chim bồ câu mặt ngắn Budapest, chúng có thể bay tới 5 giờ không nghỉ, và chịu được quãng đường dài khoảng 800 km.
Tuy nhiên, ngoại hình của loài chim này lại không được thành công như sức bền của chúng. Kỳ thực, nếu chỉ nhìn vào bề ngoài, có lẽ ít ai sẽ nghĩ rằng nó lại có năng lực đến vậy.
Khuôn mặt của chim bồ câu mặt ngắn Budapest với chiếc mỏ nhỏ, trái ngược với đôi mắt lồi to như mắt ếch, còn cái đầu thì méo mó, khiến người ta hoặc là tò mò, hoặc là kinh hãi khi nhìn thấy.
Hiện, các nhà điểu học vẫn chưa rõ tại sao anh em nhà Poltl lại sử dụng những đặc điểm vật lý gần giống như tranh biếm họa này khi tạo ra giống chim tâm đắc của họ. Một số phỏng đoán cho rằng chiếc mỏ cực ngắn và khuôn mặt nhỏ đã khiến chúng nhẹ hơn. Trong khi đó, đôi mắt to thực sự có thể giúp chúng bay cao hơn.
Dẫu vậy, sở hữu các đặc điểm bất thường là một phần lý do tại sao giống chim bồ câu này cực kỳ quý hiếm, ngay cả đối với những người nuôi chim bồ câu kỳ cựu.
Tỷ lệ tử vong của giống chim này rất cao, với sức khỏe của chúng khi mới sinh không được tốt, dễ bị bệnh. Ngoài ra, con non thường rất khó để nở ra khỏi trứng vì chúng có chiếc mỏ nhỏ và đôi mắt to, vô tình làm cản trở những nỗ lực phá vỡ vỏ trứng để chui ra bên ngoài.
Nhằm hạn chế điều này, những người nuôi chim bồ câu thường phải lấy quả trứng và cố gắng chọc vỡ chúng khi chim đủ lớn để chúng khỏi bị chết vì kiệt sức bên trong.
Tuy nhiên, việc biết chính xác thời gian chiết xuất chim con đòi hỏi phải có ghi chép tỉ mỉ trong quá trình ấp. Ngay cả khi bồ câu con đã ra khỏi trứng an toàn, do cấu trúc mỏ nhỏ của cả chim bố lẫn mẹ, nên việc chúng mớm mồi cho con non rất khó khăn, và đôi khi cần phải có sự can thiệp của con người.