"Làm chuyện ấy" trên sao Hỏa: Chuyện tưởng dễ mà khó
(Dân trí) - Khi được hỏi đến chuyện quan hệ tình dục, thậm chí sinh con ngoài vũ trụ, các cơ quan không gian và phi hành gia đều từ chối trả lời, nguyên nhân do đâu?
Trong thời đại được chi phối bởi công nghệ, mọi chuyện đều có thể. Cách đây hàng chục năm, chuyện bay đến sao Hỏa được xem là viễn tưởng. Giờ đây, chúng ta đã có những kế hoạch thậm chí để sinh sống, định cư trên "hành tinh Đỏ".
Tuy nhiên, không ai thực sự biết liệu con người có thể sinh sản thành công trong môi trường vũ trụ, cho dù đó là trong một chuyến bay, hay trên một hành tinh khác.
Chưa từng có sex trong vũ trụ
Khi được hỏi đến chuyện quan hệ tình dục trong vũ trụ, các cơ quan không gian và bản thân các phi hành gia đều từ chối trả lời.
NASA nhiều lần thanh minh rằng họ không hề đặt vấn đề thực hiện bất cứ thí nghiệm nào trong lĩnh vực này khi đưa các phi hành đoàn có cả nam lẫn nữ sống dài ngày trên không gian.
Khác với việc sống và làm việc lâu dài trên các Trạm vũ trụ quốc tế, nơi mà các nhà du hành luôn luôn ở trạng thái không trọng lượng, gần như bay lơ lửng trên không khí thì sao Hỏa là một hành tinh có trọng lực riêng.
Điều này cho thấy việc quan hệ tình dục trên sao Hỏa là có thể được thực hiện, và không khác với những gì trên Trái đất.
Tuy nhiên, muốn làm bất cứ việc gì (kể cả sex) họ cũng phải đối mặt với một số định luật vật lý do sự khác nhau của trọng trường và tạo ra những thói quen thích hợp.
Với những người chưa có kinh nghiệm, cần phải nắm vững cách "hành sự" trong điều kiện vi trọng lực, vì môi trường này là một thách thức về hình học và vật lý.
Các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy tim của các phi hành gia thực ra nhỏ hơn so với khi ở Trái đất. Bên cạnh đó, mạch máu, cơ bắp cũng thay đổi.
Từ đó, họ kết luận rằng những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến "bản lĩnh đàn ông" của các nam phi hành gia, khi "trên bảo dưới không nghe" hoặc "nghe" không được lâu đủ để "xong việc".
Tranh cãi việc có thể sinh sản hay không
Giả sử loài người đạt tới bước tiến để thành công "làm chuyện ấy" trên sao Hỏa, thì chúng ta vẫn phải đối mặt với một vấn đề khác nếu như muốn duy trì giống nòi: Đó là sinh sản.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản được xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 11/6 vừa qua, các lô tinh trùng chuột được lưu trữ trên trạm vũ trụ sau 6 năm vẫn khỏe mạnh và bình thường về mặt di truyền.
Phát hiện này được xem là cần thiết để nhân loại tiến vào thời đại vũ trụ. Cụ thể, khi di cư đến các hành tinh khác, chúng ta cần duy trì sự đa dạng của nguồn gene, cả cho con người và động vật.
Cần phải nói thêm rằng trước đây, các nhà nghiên cứu tin rằng bức xạ trong không gian sẽ phá hủy DNA của con người và khiến việc sinh sản không thể thực hiện được. Bức xạ cũng có thể là nguyên nhân gây ra ung thư và nhiều căn bệnh khác có tính di truyền.
Theo các nhóm nghiên cứu, cách tốt nhất để phòng chống những vấn đề này là làm biến đổi gen của con người trên Trái Đất trước khi đưa họ lên hành tinh Đỏ, để đảm bảo rằng họ có thể chống chọi với các điều kiện trên sao Hỏa.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng việc đó có thể sẽ dẫn đến việc tạo ra một loài người mới. Loài mới này có thể thích ứng với cuộc sống trên sao Hỏa, nhưng có lẽ họ sẽ không thể sống trên Trái Đất nếu thiếu sự trợ giúp của công nghệ.