Tinh trùng của động vật có vú có thể tồn tại 200 năm trong không gian?
(Dân trí) - Nghiên cứu cho thấy tinh trùng của chuột 3 năm ở trên Trạm vũ trụ quốc tế đã không bị bức xạ vũ trụ làm hỏng. Thông tin này mở ra một cánh cửa mới trong việc chinh phục không gian.
Bức xạ vũ trụ đã được coi là một trong những trở ngại lớn nhất trong các sứ mệnh chinh phục không gian. Bên cạnh thiết bị điện tử, bức xạ có thể làm hỏng DNA của con người, dẫn đến đột biến nguy hiểm, bao gồm cả vô sinh.
Nhóm các nhà khoa học đến từ Nhật Bản đã sử dụng tinh trùng của chuột được lưu trữ thử nghiệm trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) để thụ tinh với trứng trong buồng trứng chuột cái trên Trái đất và kết quả đã thành công ngoài mong đợi. Những con chuột mẹ đã sinh 168 con khỏe mạnh. Tất cả chuột con có hình thức bình thường và không có bất thường về gene.
Từ kết quả nghiên cứu này làm tiền đề, các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng tinh trùng của động vật có vú có thể tồn tại trong không gian 200 năm mà không bị tổn hại đến DNA.
"Kết quả thí nghiệm chiếu tia X trên mặt đất cho thấy tinh trùng đông khô có thể chịu được tới 30 Gy (đơn vị đo lượng hấp thụ bức xạ ion hóa tuyệt đối). Tinh trùng đông lạnh có thể vẫn tạo ra thế hệ tiếp theo khi được chiếu tia X lên tới 30 Gy. Những khám phá này là điều cần thiết để nhân loại tiến vào thời đại vũ trụ. Khi đến thời điểm di cư đến các hành tinh khác, chúng ta sẽ cần duy trì sự đa dạng của nguồn gene, không chỉ cho con người mà còn cho cả vật nuôi", nhà nghiên cứu Sayaka Wakayama từ Đại học Yamanashi (Nhật Bản) cho biết .
Các nhà khoa học cho biết, sau kết quả nghiên cứu vừa qua trên chuột, những nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới có thể sẽ làm sáng tỏ tác động của bức xạ đối với các dạng sống trải qua thời gian dài trong không gian.