1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoảnh khắc thiên thạch va vào Mặt Trăng

Minh Khôi

(Dân trí) - Tảng đá vũ trụ tạo ra một vùng sáng rực rỡ sau khi lao vào Mặt Trăng ở tốc độ cao.

Khoảnh khắc thiên thạch va vào Mặt Trăng (Video: Space).

Một sự kiện thú vị xảy ra ở Mặt Trăng vừa được ghi lại thông qua ống kính thiên văn được đặt tại Trái Đất. Đó là khoảnh khắc lóe sáng của một thiên thạch khi nó được cho là đã va chạm với bề mặt của Mặt Trăng.

Thời điểm xảy ra vụ va chạm là vào 20:14 tối ngày 23/2 theo giờ địa phương. Vị trí của thiên thạch khi va chạm nằm sát miệng núi lửa Ideler L, đồng thời chếch về hướng Tây Bắc gần miệng núi lửa Pitiscus.

Ông Daichi Fujii, nhà thiên văn học ghi lại khoảnh khắc này cho biết thiên thạch di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 13,4 km/s trước khi va xuống Mặt Trăng.

Vận tốc cao kết hợp với kích thước khá lớn của thiên thạch đã tạo ra một vụ nổ, và thậm chí có thể quan sát thấy ở Trái Đất.

Khoảnh khắc thiên thạch va vào Mặt Trăng - 1

Bề mặt "lỗ chỗ" của Mặt Trăng được tạo thành từ hàng nghìn vụ va chạm với tiểu hành tinh, thiên thạch (Ảnh: Getty).

Fujii cho biết vụ va chạm có thể tạo ra miệng núi lửa mới, với đường kính lên tới hàng chục mét, và có thể được chụp bởi Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng của NASA, cũng như tàu thăm dò Mặt trăng Chandrayaan 2 của Ấn Độ.

Việc nắm bắt những sự kiện này mang đến giá trị khoa học to lớn, khi cho phép các nhà nghiên cứu hiểu được sự tác động lên bề mặt của Mặt Trăng, nhằm chuẩn bị cho việc Mỹ và các quốc gia khác chuẩn bị đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong thập kỷ này.

Sở dĩ Mặt Trăng thường xuyên trở thành mục tiêu bị công kích bởi các thiên thạch là bởi nó chỉ có một ngoại quyển rất mong manh.

Những tảng đá không gian này nếu như tiến về phía Trái Đất, thì nhiều khả năng sẽ bị bốc cháy hoàn toàn khi tiếp xúc với bầu khí quyển.