Xuất hiện tiểu hành tinh có xác suất 1/600 va chạm với Trái Đất
(Dân trí) - Tiểu hành tinh mới được phát hiện có thể va chạm với Trái Đất vào tháng 2/2046, dẫu tỷ lệ xảy ra điều này là thấp.
Theo thông tin từ NASA, một tiểu hành tinh mới được phát hiện có thể tiếp cận Trái Đất và gây nguy hiểm cho chúng ta trong khoảng 20 năm tới.
"Với xác suất khoảng 1 trên 600, tảng đá không gian có thể va phải Trái Đất. Đây là mức độ rủi ro cao hơn mức trung bình đối với các tiểu hành tinh hoạt động gần Trái Đất", các quan chức tại Văn phòng Điều phối Phòng thủ Hành tinh của NASA cho biết.
Được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 27/2, tiểu hành tinh có tên 2023 DW được ước tính có đường kính khoảng 50 mét, tức gần bằng chiều dài của một bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic.
Vào ngày 8/3, Trung tâm Điều phối Vật thể Gần Trái đất của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng dự đoán xác suất xảy ra tác động trực tiếp giữa tiểu hành tinh và Trái Đất là 1/625, mặc dù tỷ lệ này đang được tính toán lại mỗi ngày.
"Thông thường, khi các vật thể mới được phát hiện lần đầu tiên, phải mất vài tuần phân tích dữ liệu để dự đoán đầy đủ quỹ đạo của chúng", NASA đăng tải trong một thông báo trên Twitter.
Theo đó, các nhà phân tích quỹ đạo sẽ tiếp tục theo dõi tiểu hành tinh 2023 DW và cập nhật các dự đoán khi có thêm dữ liệu, NASA cho biết thêm.
Tác động trực tiếp từ một tảng đá kích thước như vậy sẽ không gây ra thảm họa giống như tiểu hành tinh với đường kính 12km từng đâm vào Trái Đất khoảng 66 triệu năm trước, dẫn đến loài khủng long bị tuyệt chủng.
Tuy nhiên, 2023 DW vẫn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng nếu nó hạ cánh gần một thành phố lớn hoặc khu vực đông dân cư, các chuyên gia cảnh báo.
Trong quá khứ, một thiên thạch với kích thước chưa bằng một nửa so với 2023 DW từng phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk, Nga vào năm 2013, tạo ra một làn sóng xung kích làm hư hại hàng nghìn tòa nhà, cũng như ít nhất 1.500 người bị thương.
Để tránh lặp lại những tính huống như vậy, NASA đang nỗ lực tạo ra một lá chắn phòng thủ hiệu quả cho Trái Đất trước những mối nguy từ vũ trụ.
Năm 2022, NASA thành công triển khai sứ mệnh DART, với việc phóng một tàu vũ trụ không người lái va chạm với tiểu hành tinh mặt trăng Dimorphos với mục đích làm thay đổi quỹ đạo bay của nó xung quanh một tiểu hành tinh khác có tên Didymos.
2 tuần sau khi vụ va chạm được thực hiện, NASA tuyên bố sứ mệnh DART thành công, khi rút ngắn quỹ đạo bay kéo dài 11 giờ 55 phút của Dimorphos xuống khoảng 32 phút. Từ đó, quỹ đạo bay của tiểu hành tinh này đã bị thay đổi.
Điều ấn tượng là toàn bộ diễn biến của sự việc nằm cách Trái Đất khoảng 11 triệu km, và không để lại bất kỳ nguy hiểm nào tới hành tinh của chúng ta.