Bí ẩn đốm đen kỳ lạ được tìm thấy trên Sao Hỏa
(Dân trí) - Mới đây, camera Thử nghiệm hình ảnh độ phân giải cao (HiRise) đã chụp được một bức ảnh kỳ lạ trên Sao Hỏa, mang theo những bất thường về nguồn gốc của chúng.
Các nhà khoa học hành tinh đến từ Đại học Arizona mới đây đã công bố một bức ảnh khá kỳ lạ, với tâm điểm là những đốm tròn màu đen nằm so le, rải rác trên mặt phẳng nhám, gồ ghề.
Hình ảnh tựa như những lỗ tròn bên trong một đài sen thực chất chính là các cồn cát được bố trí ngẫu nhiên, nhưng vẽ nên một bức tranh gần như hoàn hảo tại nơi cách xa Trái Đất hàng trăm triệu km.
Theo Space, đây là hình ảnh được chụp bởi camera Thử nghiệm hình ảnh độ phân giải cao (HiRise), gắn trên Tàu quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa khi nó hoạt động ở độ cao khoảng 300 km tính từ bề mặt Sao Hỏa.
Cũng giống như Trái Đất, cồn cát trên khắp Hành tinh Đỏ có vô số hình dạng và kích cỡ khác nhau. Tuy nhiên trong bức hình, những vòng tròn hiện lên một cách đều đặn đến lạ thường.
Giả thuyết duy nhất được đặt ra đối với trường hợp này đó là những khối cát trên bề mặt Sao Hỏa dường như đã bị thổi đồng loạt về một phía, và vô tình tạo nên hiện tượng trên.
Được biết, đây chỉ là một trong 60 địa điểm trên Sao Hỏa được camera HiRise theo dõi. Thiết bị chụp ảnh độ phân giải cao đã quay quanh Hành tinh Đỏ kể từ khi sứ mệnh được triển khai đến Sao Hỏa vào năm 2006, và hiện đang thực hiện các cuộc khảo sát đầu tiên về cồn cát của hành tinh này.
Nhờ việc thu thập dữ liệu dựa trên quan sát những thay đổi của cồn cát trong khoảng một năm (tương đương 687 ngày Trái Đất), sứ mệnh đã cho phép các nhà khoa học hành tinh nắm bắt được tốc độ di chuyển những cồn cát này.
Thông qua đó, họ cũng có thể xác định những "dòng chảy" đặc biệt được tìm thấy tại sườn dốc của các ngọn núi. Theo NASA, những khu vực này có thể từng chứa nhiều băng giá, nhưng nguồn gốc của chúng vẫn còn là một bí ẩn.