Trạm Vũ trụ Quốc tế điều hướng né tránh vệ tinh

Minh Khôi

(Dân trí) - Số lượng các vệ tinh gia tăng một cách chóng mặt trong những năm gần đây khiến rác vũ trụ trở thành mối lo ngại cần được quan tâm.

Trạm Vũ trụ Quốc tế điều hướng né tránh vệ tinh - 1

Trạm Vũ trụ Quốc tế (Ảnh: NASA).

Theo NASA, vào ngày 6/3 vừa qua, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã phải điều động ra khỏi đường bay để tránh va chạm với một vệ tinh.

"Các động cơ đẩy trên tàu tiếp tế Progress 83 (hiện đang cập cảng ISS) đã kích hoạt khoảng 6 phút để nâng quỹ đạo của trạm, nhằm ngăn chặn một va chạm có thể xảy ra", NASA cho biết trong một bài đăng trên blog.

Theo thông tin cập nhật, vệ tinh được đề cập dường như là Nusat-17, một vệ tinh quan sát Trái Đất của Argentina, được phóng vào năm 2020 và vận hành bởi công ty dữ liệu không gian địa lý Satellogic.

Được biết, động cơ trên Trạm ISS bắt đầu khởi động để di chuyển khoảng 30 giờ trước thời điểm tiếp cận gần nhất theo dự kiến của vệ tinh.

Trong quá khứ, ISS đã từng điều hướng để né tránh những va chạm không mong muốn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động này được thực hiện khá thường xuyên. Theo báo cáo của NASA vào tháng 12/2022, trạm vũ trụ lớn nhất đang hoạt động đã thực hiện tổng cộng 32 lần điều chỉnh hướng bay để tránh vệ tinh và các mảnh vỡ không gian có thể theo dõi kể từ năm 1999.

Một phần của nguyên nhân là do các nhà khai thác thường lựa chọn phương án "tiêu hủy" khi một vệ tinh hết thời hạn sử dụng, thay vì chi thêm tiền để đẩy nó vào "quỹ đạo nghĩa địa", nghĩa là một quỹ đạo cách xa các vệ tinh khác. Vì thế rác trong vũ trụ ngày càng tăng lên với số lượng khổng lồ.

Trạm Vũ trụ Quốc tế điều hướng né tránh vệ tinh - 2

Số lượng các vệ tinh gia tăng một cách chóng mặt trong những năm gần đây khiến rác vũ trụ trở thành mối lo ngại cần được quan tâm (Ảnh: Getty).

Số liệu từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cho biết con người đã phóng khoảng 12.170 vệ tinh kể từ năm 1957 và 7.630 vệ tinh trong số đó vẫn còn trên quỹ đạo ngày nay, nhưng chỉ có khoảng 4.700 còn hoạt động. Điều đó có nghĩa là có gần 3.000 tàu vũ trụ không còn hoạt động vẫn đang bay quanh Trái đất với tốc độ khủng khiếp cùng với những mảnh vỡ lớn và nguy hiểm như thân tên lửa ở tầng trên.

Báo cáo của NASA cũng xác định ít nhất 26.000 mảnh rác thải vũ trụ hiện quay quanh Trái Đất có kích thước bằng một quả bóng tennis - đủ lớn để phá hủy một vệ tinh. Hơn 500.000 mảnh vỡ lớn bằng đá cẩm thạch - có khả năng làm hỏng tàu vũ trụ, trong khi hơn 100 triệu mảnh bé có thể làm thủng đồ bảo hộ trong không gian.

Bên cạnh đó, các tàu vũ trụ từng va chạm với nhau trên quỹ đạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Sự cố nổi tiếng nhất xảy ra vào tháng 2/2009, khi vệ tinh Kosmos 2251 không còn hoạt động của Nga đâm vào tàu liên lạc Iridium 33 đang hoạt động, tạo ra gần 2.000 mảnh vỡ lớn hơn một quả bóng tennis.

Năm ngoái, ISS từng phải điều chỉnh 2 lần để tránh các mảnh vỡ từ vệ tinh Cosmos-1408 mà Nga đã phá hủy trong một cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh (ASAT) vào tháng 11/2021. Sự việc này sau đó đã bị cộng đồng vũ trụ quốc tế lên án kịch liệt.

Trước đó vào năm 2021, ISS từng bị một mảnh vụn vệ tinh va vào, tạo một lỗ thủng có đường kính 5mm trên cánh tay robot Canadianarm2.

Nhiều nhà phê bình cho rằng không có các hình phạt pháp lý để xử lý rác trong vũ trụ thì sớm muộn các vụ va chạm lớn sẽ xảy ra, không ai có thể nói trước được hậu quả.