Hướng nào cho tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ?
(Dân trí) - Hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp của một số quốc gia nổi tập đó là tập trung vào hai lĩnh vực là làm chính sách và hỗ trợ tài chính. Dưới đây là một số bài học điển hình về hỗ trợ tài chính của các quốc gia đó mà Việt Nam có thể tham khảo để xây dựng chính sách thúc đẩy khởi nghiệp cho mình.
Mỹ: Hợp tác Nhà nước - tư nhân trong đầu tư khởi nghiệp
Tổng thống Mỹ Barrack Obama có nói “Các doanh nhân là sự thể hiện lời hứa của Mỹ. Nếu bạn có một ý tưởng tốt và sẵn sàng làm việc chăm chỉ, bạn có thể thành công ở đất nước này và khi thực hiện lời hứa của mình, các doanh nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm”.
Năm 2011, ông đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp với tên gọi “Nước Mỹ khởi nghiệp” - Startup America, thông qua một loạt các sáng kiến của Nhà nước và tư nhân, nhằm mục đích mở rộng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trên khắp cả nước.
Chương trình này bao gồm việc mở rộng các hoạt động thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tăng cường thương mại hóa khoảng 148 tỷ USD được Chính phủ liên bang đầu tư hàng năm, với tham vọng tạo ra những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới; loại bỏ các rào cản không cần thiết cho việc khởi nghiệp kinh doanh; mở rộng hợp tác giữa các công ty lớn và công ty khởi nghiệp.
Chương trỉnh mở rộng tiếp cận vốn dành cho doanh nhân khởi nghiệp bao gồm các sáng kiến của Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ - Small Business Association (SBA). Quỹ đầu tư Impact Fund 1 tỉ USD cung cấp vốn cho mục đích tăng trưởng của các doanh nghiệp thuộc các vùng có điều kiện kinh tế thấp hơn mức trung bình. Tài chính sẽ được cung cấp cho các công ty thuộc lĩnh vực mới nổi như năng lượng sạch. SBA cung cấp số vốn theo tỷ lệ 2:1 với đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân.
Quỹ Đổi mới sáng tạo đầu tư giai đoạn khởi nghiệp 1 tỷ USD, dành cho các công ty phải đối mặt với khó khăn trong tiếp cận vốn, đặc biệt là những người không có tài sản thế chấp cần thiết hoặc không nhận được tín dụng ngân hàng truyền thống. Đối với các công ty tăng trưởng cao, và có độ rủi ro cao hơn thì tỷ lệ đầu tư của quỹ so với các quỹ đầu tư tư nhân là 1:1.
Có thể thấy là các quỹ đầu tư của Chính phủ Mỹ không thực hiện đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mà hợp tác, đầu tư cùng với các quỹ tư nhân, theo tỷ lệ tùy thuộc vào mức độ rủi ro của doanh nghiệp khởi nghiệp. Phương thức này cho phép Nhà nước tác động được vào tiến trình khởi nghiệp trong toàn nền kinh tế trong khi nguồn vốn tư nhân chưa đủ, đồng thời cũng giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn của Nhà nước.
Israel: Quốc gia khởi nghiệp
Yozma trong tiếng Israel có nghĩa là “sáng kiến”. Đây cũng là tên của chương trình đưa ra vào những năm 1990 bởi Chính phủ với đầu tư 100 triệu USD để tạo ra 10 quỹ đầu tư mạo hiểm mới ở Israel. Chương trình này đã được đưa ra để khắc phục vấn đề thiếu kinh nghiệm và năng lực của các công ty Israel trong việc chiếm lĩnh thị trường trên quy mô toàn cầu.
Trong thời kỳ cuối những năm 1980 đến đầu năm 1990, khởi nghiệp kinh doanh của Israel vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Các công ty của Israel không có kết nối lớn với các công ty nước ngoài. Trong khi rất thành công trong việc phát triển công nghệ mới, các công ty Israel lại bị hạn chế trong việc quản lý và tiếp thị toàn cầu.
Để làm được điều đó, các công ty cần vốn, và trước khi đầu tư mạo hiểm ra đời ở Israel, quốc gia này chỉ các nguồn hỗ trợ rất nhỏ từ Văn phòng Phụ trách Khoa học của Chính phủ và Chương trình Nghiên cứu Phát triển Công nghiệp (BIRD). Để thực hiện các khoản tài trợ lớn hơn, Israel đã hợp tác với Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ và Israel. Chương trình BIRD đã góp phần thúc đẩy đáng kể các ngành công nghiệp, với 250 triệu USD dành cho 750 dự án, đem lại một doanh thu là 8 tỷ USD. Giữa năm 1992 và 1997, 10 quỹ Yozma quyên góp được hơn 200 triệu USD. Mua lại hoặc tư nhân trong thời hạn năm năm, Yozma quản lý ngày nay vốn gần 3 tỷ $ và hỗ trợ hàng chục công ty Israel mới.
Các chương trình Yozma là xúc tác cho sự hình thành các chương trình khác: Quỹ Israel Gemini Advent, Seed Israel vào năm 1994. Tính đến năm 2009, Israel đã có 45 quỹ đầu tư mạo hiểm của Israel. Ngay sau đó, Chính phủ các nước khác chú ý và đến thăm Israel để học tập sự thành công của chương trình Yozma, một chương trình đầu tư do Nhà nước khởi động rất thành công, khác biệt với Mỹ, luôn do các quỹ đầu tư tư nhân dẫn đầu.
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, Israel cũng quan tâm đặc biệt đến việc cải cách cơ chế tài chính quan liêu bằng việc nới lỏng các điều kiện khắc nghiệt của ngành tài chính, bao gồm loại bỏ dần của trái phiếu Chính phủ, mở rộng tiếp cận vốn cho các nhà đầu tư.
Phần Lan: Quốc gia khởi nghiệp phúc lợi
Phần Lan là nước luôn đứng hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng về chỉ số sáng tạo. Kết quả đó có được là nhờ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất phóng khoáng, trên cơ sở triết lý của một quốc gia phúc lợi cao. Trên thực tế, hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ Phần Lan đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thường là không có yêu cầu hoàn lại. Việt Nam chính là một trong những quốc gia nhận được sự hỗ trợ đó của Chính phủ Phần Lan với chương trình Hợp tác sáng tạo IPP – Innovation Partnership Program, đã vận hành từ năm 2012, và cho đến nay, ngày càng tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, và đặc biệt hơn, vào các doanh nghiệp Việt Nam với sản phẩm và công nghệ có tiềm năng vươn ra thị trường quốc tế.
Năm 2015, Chính phủ Phần Lan đổ 133 triệu Euro vào cho việc hỗ trợ khởi nghiệp, trong tình hình đầu tư cho khởi nghiệp có dấu hiệu giảm sút. Sau sựu suy sụp của Nokia, biểu tượng thành công của sáng tạo Phần Lan, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp trò chơi điện tử với các công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Rovio và Supercell, tình hình khởi nghiệp của Phần Lan đang dần sôi động trở lại. Phần Lan dành hơn một nửa vốn Nhà nước cho đầu tư và còn lại là cho vay hỗ trợ.
Trong thời điểm khó khăn đối với phong trào khởi nghiệp, Chính phủ giảm thuế cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư thiên thần cho các công ty khởi nghiệp. Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen hy vọng rằng, sau suy thoái nặng nề từ sự đi xuống của Nokia, Phần Lan có thể hồi phục để trở thành thung lũng Silicon của Bắc Âu.
Việt Nam cần phải bắt đầu từ đâu?
Thành công và bài học của các quốc gia có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ và thành công cho thấy, yếu tố quan trọng hàng đầu là tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp của chính các thủ lĩnh quốc gia, của bộ máy Nhà nước với tinh thần phụng sự quốc gia.
Công việc đầu tiên của Chính phủ luôn là xây dựng chính sách, pháp luật, nhưng sứ mệnh của một chính phủ không chỉ dừng lại ở đó. Chính sách và pháp luật cần phải được thực thi bởi những chương trình cụ thể, trong đó việc cam kết về tài chính là sự thể hiện cao nhất tinh thần trách nhiệm của một Chính phủ.
Tùy điều kiện kinh tế xã hội, hoạt động hỗ trợ tài chính có thể khác nhau, nhưng có một điểm chung nổi bật của các quốc gia trong chính sách thúc đẩy khởi nghiệp là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa với khu vực tư nhân trong đầu tư. Sự kết hợp này giúp giảm thiểu rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ, mà thực chất là tiền thuế của người dân, nhưng cho phép mở rộng nguồn vốn của quốc gia cho khởi nghiệp để nắm bắt các cơ hội kinh doanh. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khoa học - công nghệ và phương thức kinh doanh phát triển và biến động như vũ bão, cũng như trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đã trở nên rộng khắp, cơ hội đột phá, ít nhất là trong các ngành kinh doanh đặc biệt, mới, sáng tạo, là dành cho tất cả các quốc gia, bất kể trình độ phát triển của nền kinh tế.
Sự kết hợp của Chính phủ và tư nhân trong đầu tư khởi nghiệp còn có một lợi ích đặc biệt cho Việt Nam, một quốc gia có điều kiện phát triển thấp hơn nhiều so với các quốc gia nêu làm ví dụ trong bài, đó là khả năng hạn chế và loại trừ tham nhũng trong việc sử dụng vốn Nhà nước, do các tổ chức tư nhân có cơ chế lợi ích hợp lý và cơ chế bảo đảm nguyên tắc minh bạch trong hoạt động kinh doanh.
Sự kết hợp Nhà nước và tư nhân trong thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia cũng là bước đi cần thiết của Chính phủ trong vấn đề xóa bỏ tư duy định kiến với tính chất mạo hiểm trong kinh doanh, bởi vì, kinh nghiệm của Thế giới đã cho thấy, sự thịnh vượng của các quốc gia có đóng góp rất lớn của các đột phá khởi nghiệp thành công từ kinh doanh mạo hiểm.
TS Trần Lương Sơn