Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính cho khởi nghiệp
(Dân trí) - Tài chính cho đến nay vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất của khởi nghiệp Việt Nam. Vấn đề này có nguyên nhân không hẳn là từ việc thiếu những quỹ hỗ trợ hay đầu tư phù hợp, mà ở chỗ Việt Nam thiếu hẳn một hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính khởi nghiệp.
Lý thuyết “Ba yếu tố cơ bản của khởi nghiệp kinh doanh”
Trong quá trình hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ năm 2010, chúng tôi đã đúc kết một lý thuyết đơn giản về khởi nghiệp kinh doanh để xác định, hiểu và có tác động phù hợp cho việc hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, khởi nghiệp kinh doanh có 3 yếu tố cơ bản để thành công: Người khởi nghiệp, Cơ hội kinh doanh và Tài chính.
Về con Người khởi nghiệp, thực tế, Việt Nam có lợi thế rất lớn: Người Việt Nam thông minh, học nhanh, năng động, yêu độc lập, tự do, chịu hy sinh, thường nghĩ lớn và tham vọng. Tuy nhiên, người Việt Nam có những yếu điểm lớn đối với khởi nghiệp là: Thiếu kiến thức về kinh doanh nói chung và đặc biệt là khởi nghiệp nói riêng, thiếu tinh thần hợp tác và cộng đồng, thiếu ý thức chuyên nghiệp và đạo đức kinh doanh. Điều quan trọng cần lưu ý về yếu tố Người khởi nghiệp của người Việt Nam là, họ không dừng lại khi thất bại, mà tiếp tục nắm bắt các cơ hội mới, tiếp tục khởi nghiệp một khi có cơ hội và điều kiện phù hợp.
Việt Nam là một mảnh đất với vô vàn Cơ hội kinh doanh, bắt nguồn từ các yếu tố quan trọng như dân số, sự chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập trung bình, từ trình độ kinh doanh và quản lý sơ khai tiến tới chuyên nghiệp và quy mô, sự thiếu vắng của nhiều sản phẩm và dịch vụ đã phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các cơ hội kinh doanh này chưa được khai thác xứng đáng, và vô số trường hợp bị bỏ lỡ do sự khiếm khuyết của 2 yếu tố còn lại: Con người khởi nghiệp và Tài chính.
Phần lớn các doanh nhân khởi nghiệp khi được hỏi yếu tố nào là quan trọng nhất đối với khởi nghiệp của họ thì câu trả lời thường là... Tiền. Đó là câu trả lời không khích lệ đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó là câu trả lời về cơ bản là đúng cho môi trường khởi nghiệp Việt Nam: Không có cơ chế tài chính phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những khởi nghiệp có tính đột phá, thí dụ trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Còn đối với nhà đầu tư, về yếu tố Người khởi nghiệp, họ không thỏa mãn với trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm quản lý kinh doanh của những người khởi nghiệp. Về yếu tố thị trường, vấn đề lại nằm ở chỗ, cơ hội kinh doanh thì tồn tại, song để hiện thực hóa, phải có ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ, khả năng thực thi, sự hiểu biết thị trường... là những điều mà các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam còn non nớt, đặc biệt là các nhà khởi nghiệp trẻ.
Như vậy, trong quá trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, các nhân tố tham gia cần phải hiểu rõ vai trò của mình và của các bên để cùng nhau tạo nên một hệ thống vận hành hiệu quả. Trong hệ sinh thái này, Nhà nước, hơn ai hết, lại là nhân tố có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, với quyền năng xây dựng chính sách, pháp luật để thúc đẩy các yếu tố khác, trong đó việc tạo ra các quỹ hỗ trợ hay quỹ đầu tư không nhất thiết phải là nhiệm vụ hàng đầu. Nhà nước chính là “yếu tố ngoại vi” có tác động hết sức quan trọng, thậm chí có tính quyết định, đối với ba yếu tố cơ bản của khởi nghiệp thành công.
Vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính cho khởi nghiệp
Như đã nêu ở trên, tài chính cho đến nay vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất của khởi nghiệp Việt Nam. Vấn đề này có nguyên nhân không hẳn là từ việc thiếu những quỹ hỗ trợ hay đầu tư phù hợp, mà ở chỗ Việt Nam thiếu hẳn một hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tài chính khởi nghiệp. Hậu quả của sự thiếu hệ thống pháp luật như vậy là sự thiếu định hướng chiến lược của các quỹ hỗ trợ hiện có, quỹ hỗ trợ và đầu tư của Việt Nam không ra đời và phát triển, thiếu môi trường hấp dẫn cho các quỹ đầu tư nước ngoài phù hợp tham gia vào thị trường.
Cơ chế tài chính cho doanh nghiệp theo hệ thống tín dụng ngân hàng tỏ ra hoàn toàn không phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Hệ thống ngân hàng, với hoạt động theo nguyên tắc không chấp nhận rủi ro cao, luôn đòi hỏi thế chấp tài sản... là điều kiện mà các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể đáp ứng so với các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống từ nhiều thập kỷ nay.
Tài chính cho đến nay vẫn là vấn đề nóng bỏng nhất của khởi nghiệp Việt Nam
Tuy nhiên, tài chính cho khởi nghiệp không chỉ bao gồm tài chính có yếu tố rủi ro cao như quỹ đầu tư, mà còn bao gồm cả tài chính thông thường thông qua hệ thống ngân hàng. Sự kết hợp của tài chính rủi ro cao với tài chính ngân hàng sẽ là phương thức thúc đẩy khởi nghiệp hiệu quả.
Sự kết hợp của tài chính tín dụng hay tài chính hỗ trợ với tài chính rủi ro của các quỹ đầu tư đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, và trong tình huống mà các ngân hàng không tham gia đầy đủ vào quá trình này do phải đặt ưu tiên cao cho tài chính phục vụ doanh nghiệp theo cách truyền thống, thì các quỹ hỗ trợ của Nhà nước là một sự thay thế thích hợp.
Trong khoảng 5 năm gần đây, Chính phủ nhiều nước, ngay cả những nước có cơ chế thị trường hoàn hảo như Mỹ, cũng bắt đầu nhận ra tầm quan trọng chiến lược của khởi nghiệp đối với nền kinh tế, đã lập ra các quỹ hỗ trợ và đầu tư khởi nghiệp của Nhà nước. Sự tồn tại của các quỹ này không nói lên rằng Nhà nước của các quốc gia đó tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm mà thực chất chỉ làm công việc thúc đẩy khởi nghiệp, với mục tiêu chính trị phổ biến của các chính quyền là “tạo việc làm”, thông qua sự bổ trợ, kết hợp với các tổ chức đầu tư với bản chất kinh doanh là chấp nhận rủi ro cao nhưng cũng kỳ vọng lợi nhuận cao.
Chính phủ các nước có quỹ đầu tư thúc đẩy khởi nghiệp đó đã có những hình thức hoạt động thông minh, đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến trình khởi nghiệp để phát triển kinh tế tổng thể, nhưng lại không quá rủi ro cho nguồn vốn là tiền đóng thuế của người dân.
(Còn tiếp)
TS Trần Lương Sơn