1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chuyên gia hiến kế thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam

(Dân trí) - Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về vấn đề khởi nghiệp, TS Trần Lương Sơn đã có những phân tích, đánh giá và hi vọng Nhà nước sẽ nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện.

Dân trí xin trân trọng gửi đến bạn đọc những phân tích, đánh giá của TS Trần Lương Sơn - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty phần mềm VietSoftware, đồng thời là nhà sáng lập và Chủ tịch công ty công nghệ môi trường NVN Technologies, một diễn giả thường xuyên của các chương trình khuyến khích khởi nghiệp khắp Việt Nam và công sự ThS Chu Thái Hòa xoay quanh câu chuyện quốc gia khởi nghiệp.

Bài 1: Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp?

Phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam

Giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam khoảng 10 năm qua đã chứng kiến sự hình thành và phát triển rất năng động của phong trào khởi nghiệp. Có nhiều nhân tố dẫn đến khởi nghiệp như là một lực lượng mới của nền kinh tế, trong đó có thể kể đến khả năng sáng tạo, tinh thần kinh doanh của người Việt, sự phát triển gia tốc của thị trường khi Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình, sự thất bại của hình thái “Nhà nước kinh doanh” thông qua các doanh nghiệp, tập đoàn sở hữu Nhà nước, sự bùng nổ của công nghệ và sử dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng”, sự tham gia của các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp...


TS Trần Lương Sơn

TS Trần Lương Sơn

Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước đối với phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa rõ nét. Nhà nước chưa có những quy định pháp luật điều chỉnh sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp khởi nghiệp theo phương thức mới, như quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam, sự công nhận giá trị bằng tiền của tài sản vô hình trong góp vốn thành lập công ty hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp... Vai trò của Nhà nước cũng thiếu vắng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là đối với việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam và tín dụng ngân hàng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong hơn 10 năm qua, Nhà nước đã có một số quỹ hỗ trợ việc đưa ra thị trường các kết quả nghiên cứu phát triển của các tổ chức nhà nước và thư nhân, như Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia Nafosted, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia Natif... có những đóng góp ý nghĩa cho việc hình thành các doanh nghiệp mới từ việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Tuy nhiên, không có quỹ nào của Nhà nước có bản chất và cơ chế hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm - nhân tố thiết yếu cho khởi nghiệp kinh doanh công nghệ trong điều kiện kinh tế hiện đại ngày nay.

Cũng trong thời kỳ đó các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Việt Nam cơ bản là nhờ vào nguồn tài chính của các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài. Các tổ chức hỗ trợ của Nhà nước nêu trên, với nguyên tắc “bảo toàn vốn”, cộng thêm cơ chế và thủ tục phức tạp, đã không thể có tác động hiệu quả tới phong trào khởi nghiệp của Việt Nam mà bản chất là trên cơ sở đầu tư mạo hiểm với tỷ lệ rủi ro cao, hoặc rất cao như là sự đánh đổi cho kỳ vọng lợi nhuận lớn.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay cũng có nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp không thuộc loại đầu tư rủi ro của nước ngoài và tổ chức quốc tế, với phương pháp tiếp cận và hình thức thực thi khác nhau, từ hỗ trợ kết nối kinh doanh song phương, như chương trình B2B của Chính phủ Đan Mạch, đến hỗ trợ về đào tạo nhân lực cho khởi nghiệp và thương mại hóa kết quả nghiên cứu như của Chính phủ Anh hay Israel, đến cung cấp tài chính không hoàn lại như chương trình IPP của Chính phủ Phần Lan, hay Quỹ Đổi mới sáng tạo dành cho người thu nhập thấp VIIP của Ngân hàng Thế giới... Thực tế chưa cho thấy những kết quả thật sự nổi bật của những chương trình này, do những khác biệt về trình độ phát triển kinh doanh, thiết chế tài chính và văn hóa. Tuy vậy các chương trình đó thể hiện sự quan tâm và kỳ vọng đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với phong trào khởi nghiệp của Việt Nam.

Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy khởi nghiệp?

Từ góc độ Nhà nước, Việt Nam dường như là thụ động trong trào lưu khởi nghiệp của Thế giới. Khởi nghiệp đã được nhen nhóm hàng chục năm qua như dòng chảy tự nhiên của phát triển kinh tế, và dòng chảy đó bắt nguồn từ óc sáng tạo và tinh thần kinh doanh vốn có của người Việt Nam, chỉ còn chờ đợi cú hích về tài chính để có thể cất cánh. Một số quỹ đầu tư nước ngoài đã nắm bắt được xu thế này và thực hiện những phi vụ đầu tư mạo hiểm rất thành công, tạo nên những tên tuổi lớn tại thị trường Việt Nam.


Để khởi nghiệp thành công cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước

Để khởi nghiệp thành công cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước

Còn ở Việt Nam? Trong những năm gần đây, Nhà nước đã từng bước thừa nhận vài trò to lớn của doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đối với sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu vắng chính sách và quy định pháp luật, sự ủng hộ của Nhà nước đối với phong trào khởi nghiệp mới chỉ dừng lại ở ý chí và mong muốn, với hàng loạt phát biểu cấp cao và các sự kiện mang tính chất cổ vũ tinh thần.

Để phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng các chính sách và quy định pháp luật phù hợp, đồng thời có những chương trình cụ thể giúp hình thành và phát triển những doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trong đó, việc quan trọng nhất là thiết lập các cơ chế tài chính để tham gia cùng khối đầu tư tư nhân vào khởi nghiệp, theo mô hình mà nhiều quốc gia đã thực hiện rất thành công.

Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và chính các doanh nghiệp khởi nghiệp gần đây đã có những nỗ lực lớn trong việc hình thành “hệ sinh thái khởi nghiệp”, bao gồm những người khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, và Nhà nước.

Nhà nước đang là khâu yếu nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp này, chủ yếu do không thực hiện được chức năng xây dựng chính sách và pháp luật (chứ không phải do không cung cấp hỗ trợ tài chính như nhiều người lầm tưởng) dẫn đến tình trạng bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh tại thị trường nội địa hay thậm chí cả thị trường quốc tế của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Hơn thế nữa, khi có những doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam rất thành công thì người hưởng lợi ở phía nhà đầu tư trong hệ sinh thái lại là các quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài, với những quyết định đầu tư kịp thời, đúng đắn.

(Còn tiếp)

TS Trần Lương Sơn