1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to!

(Dân trí) - Mỗi năm, con người sản xuất ra hơn 300 triệu tấn nhựa. Gần một năm sau, một nửa số nhựa này trở thành rác thải. Hạt nhựa vi mô là loại rác thải gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là các đại dương, và gây ra nhiều tác hại lên sức khỏe con người.

Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to! - 1

Định danh hạt nhựa siêu nhỏ

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (National Oceanic and Atmospheric Administration, NOAA), hạt nhựa siêu nhỏ, vi mô (microplastic) là những mảnh nhựa rất nhỏ, chiều dài dưới 5 milimét. Hạt nhựa vi mô xâm nhập vào hệ sinh thái từ nhiều nguồn khác nhau, như đồ dùng bằng nhựa, mỹ phẩm, quần áo Hvà sản phẩm công nghiệp…

Theo nguồn gốc, hạt nhựa vi mô có thể có 3 nhóm xuất xứ:

(1) Hạt nhựa vi mô sơ cấp (nguyên phát), là các hạt nhựa vi mô có sẵn ở trong các sản phẩm tiêu dùng như kem đánh răng, sữa rửa mặt và mỹ phẩm, hoặc trong công nghệ phun khí để làm sạch rỉ rét, sơn keo ở máy móc, động cơ, vỏ thuyền….;

(2) Hạt nhựa vi mô thứ cấp (thứ phát), là những mảnh nhựa rất nhỏ sản sinh từ sự phân hủy của các mảnh vụn nhựa lớn hơn, do các tác nhân vật lý, sinh học và hóa học; và

(3) Hạt nhựa vi mô từ các nguồn khác như phát thải phụ phẩm, bụi trong quá trình hao mòn của hai loại vi hạt nhựa sơ và thứ cấp như sợi nhựa vi mô khi giặt quần áo, đồ chơi bằng nhựa, hạt nhựa cao su do lốp xe hao mòn….

Đồ chơi là nguồn ô nhiễm hạt nhựa vi mô cho trẻ em
Đồ chơi là nguồn ô nhiễm hạt nhựa vi mô cho trẻ em

Tác hại của hạt nhựa vi mô

Trong không khí, hạt nhựa vi mô này vào trong nhu mô phổi hoặc đi vào dòng máu khi cơ thể và không thể thoát ra ngoài. Trẻ sơ sinh, nhũ nhi bò trên sàn là dễ bị tổn thương nhất.

Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to! - 3

Hạt nhựa vi mô cũng là loại bụi đường hô hấp khi con người hít thở vào. Vì hạt nhựa vi mô có đường kính trên 10 micromet nên thường được hệ thống chất nhầy, lông mao đường hô hấp trên bắt giữ và loại trừ ra qua hắt hơi, ho, xỉ mũi, khạc đàm nhầy…Nếu hạt nhựa vi mô nhỏ hơn, chúng tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang và đào thải ra khó, chậm, nên tích lũy lại gây các bệnh hô hấp gọi là bệnh bụi phổi (pneumoconiosis) như bụi sợi vải (byssinosis, brown lung disease)…

Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to! - 4

Nhiều hạt nhựa vi mô cũng vào cơ thể con người khi uống nước đóng chai hoặc ăn cá từ các đại dương bị ô nhiễm các loại hạt nhựa vi mô từ trong môi trường sống của chúng trước đó.

Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to! - 5
Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to! - 6

Các nghiên cứu mới cho thấy, con muỗi có thể hấp thu hạt nhựa vi mô từ khi chúng còn giai đoạn cung quăng, các hạt này tồn tại trong cơ thể muỗi trưởng thành và lan truyền qua chim và các các sinh vật ăn côn trùng khác.

Tùy theo đường vào và kích thước hạt nhựa siêu nhỏ, con người khi bị ô nhiễm chúng cơ thể có thể mắc một số bệnh hô hấp, tim mạch, nội tiết chuyển hóa cũng như rối loạn nhiễm sắc thể gây nên các dạng ung thư….

Đôi điều bàn luận

Trên thế giới, mỗi năm có hơn 300 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa số nhựa này lại trở thành rác thải trong gần một năm sau. Năm 2014, các nhà khoa học ước tính, các đại dương phải nhận khoảng 12,7 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, trong đó có từ 15 đến 51 nghìn tỷ mảnh nhựa vi mô, với trọng lượng ước tính từ 93 đến 236 ngàn tấn.

Trong số các sản phẩm nhựa được sản xuất, chỉ có 9% được tái chế; 91% còn lại là chất thải đổ vào không khí, đất và nước. Kết cục là, thế giới đang phải chịu áp lực với lượng chất thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Hạt nhựa siêu nhỏ: Ô nhiễm rất to! - 7

Nhựa phân hủy rất chậm, thường cả trăm hay ngàn năm, nên một khi môi trường đã bị ô nhiễm hạt nhựa siêu nhỏ, gần như không có khả năng phục hồi như trước. Vì hạt nhựa vi mô là vấn đề nan giải, ngày càng gia tăng trong thế giới hiện đại của chúng ta.

Túi nhựa, plastic, nilon, là rác thải đang tràn ngập trong môi trường sống, trên đất dưới biển, của chúng ta. Ngoài là rác gây ô nhiễm trực tiếp, túi plastic cũng là một nguồn sản sinh hạt nhựa vi mô thứ cấp quan trọng. Do đó, ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống để tiến tới một tương lai hoàn toàn không có túi nilon: Năm 2017, Kenya chính thức quy định việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Zimbabwe cũng cấm sử dụng các hộp xốp thức ăn, thay bằng hộp giấy hay hộp bột ngô.

Scotland cấm sản xuất, sử dụng que ngoáy tai và các sản phẩm nhựa…và thay thế bằng vật liệu có thể phân hủy. Đầu năm 2018, Thủ tướng Theresa May, Anh, thúc đẩy giảm và xóa bỏ hoàn toàn nhựa vào năm 2042. Ngày 3/3/2018, trong Chiến dịch Giờ Trái đất, Việt Nam cũng phát động "Sống xanh hơn" với bảo vệ môi trường xanh sạch và giảm thiểu sử dụng túi nilon.

Gần đây, với thông tin hơn 90% nước đóng chai có chứa hạt nhựa siêu nhỏ, WHO nhận định rằng “Cần phải nghiên cứu bằng chứng, đánh giá nguy cơ, rủi ro toàn diện” để có chỉ dẫn xử lý việc này.

Nhiều nhà sản xuất đã thiết kế, giới thiệu ba loại bộ lọc giúp loại bỏ hạt nhựa vi mô này: (1) một là Bộ lọc với hạt than hoạt tính (Granular Activated Carbon, GAC), như TAPP 1 có thể lọc hạt nhựa vi mô khoảng 5 micromet nên hầu hết các vi sinh vật sẽ bị loại bỏ; (2) hai là Bộ lọc vòi cacbon khối (Carbon Blocks faucet filters) như TAPP 2 có thể lọc hạt nhựa vi mô khoảng 2 micron; và (3) ba là Bộ lọc thẩm thấu ngược và trao đổi ion (Reverse Osmosis filters and Ion Exchange) có thể lọc hạt nhỏ cở 0,001 micron.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam