Hai cơn bão Mặt Trời bất ngờ đổ ập xuống Trái Đất

Minh Khôi

(Dân trí) - Hai cơn bão Mặt Trời đã liên tiếp "tấn công" Trái Đất khi ngôi sao này đạt đỉnh của chu kỳ 11 năm.

Hai cơn bão Mặt Trời bất ngờ đổ ập xuống Trái Đất - 1

Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA), hai cơn bão Mặt Trời đã tấn công Trái Đất vào các ngày 7/8 và 8/8 vừa qua.

Trên trang Twitter cá nhân hôm 8/8, Tamitha Skov, nhà vật lý có biệt danh "Cô gái thời tiết" cũng đưa lời cảnh báo: "Bão Mặt Trời đã tăng lên mức G2, chủ yếu do sự đảo lộn theo hướng Bắc-Nam-Bắc của từ trường Mặt Trời".

Được biết, đây là kết quả của một luồng gió Mặt Trời, khi các hạt tích điện từ ngôi sao này vươn tới và tấn công từ trường trên Trái Đất. Trước đó, một số chuyên gia dự đoán Mặt Trời hiện đang trong giai đoạn hoạt động của chu kỳ 11 năm, nên các sự cố như thế này dự kiến sẽ còn gia tăng.

Tuy nhiên theo Space Weather, cơn bão G2 xảy ra vào cuối tuần qua là không hề được dự báo từ trước, và đã đến một cách vô cùng "bất ngờ", khi đạt tốc độ lên tới 600 km/s. Rất may là nó chỉ được phân loại cường độ ở mức "vừa phải".

Trong khi đó, cơn bão G1 xảy ra vào ngày 8/8 được phân loại ở cấp độ nhỏ hơn, nhưng cũng có thể dẫn đến một số sự cố cho hệ thống lưới điện và thiết bị hoạt động dựa trên GPS, theo một số chuyên gia cảnh báo.

Giới khoa học cho biết các tàu vũ trụ trên quỹ đạo có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động này, chủ yếu do sự gia tăng đột biến các electron năng lượng cao trong từ quyển. Hay thậm chí hành vi của một số loài động vật di cư cũng chịu ảnh hưởng bởi bão Mặt Trời, khi chúng dựa vào từ trường của Trái Đất để điều hướng.

Hai cơn bão Mặt Trời bất ngờ đổ ập xuống Trái Đất - 2

Hình ảnh đồ họa ghi lại chuyển động của một cơn bão lớn, có hình dạng tựa như con rắn uốn éo, phóng ra khỏi Mặt Trời ngày 19/7 và hướng tới Trái Đất (Ảnh: NASA).

Trước đó, theo Live Science, Mặt Trời của chúng ta đang đạt đến đỉnh của chu kỳ kéo dài khoảng 11 năm và liên tục tạo thành những cơn bão trên bề mặt.

Bằng chứng có thể quan sát thấy từ vệ tinh, là việc xuất hiện những vết đen trên bề mặt của Mặt Trời. Chúng được lý giải có thể là những điểm lạnh và tối hơn so với môi trường xung quanh, tạo thành do từ trường mạnh ức chế dòng khí nóng từ bên trong ngôi sao khổng lồ.

Theo Viện Khoa học Australia, nguyên nhân có chu kỳ 11 năm là bởi vào khoảng thời gian này, các cực từ của Mặt Trời sẽ nghịch đảo, khiến cho cực Nam trở thành cực Bắc và ngược lại.

NOAA xếp hạng các cơn bão Mặt Trời theo thang 5 cấp, với G5 là mức cao nhất. Trận bão Mặt Trời tồi tệ nhất từng được ghi nhận trong lịch sử xảy ra vào năm 1859, được gọi với cái tên "Sự kiện Carrington".

Trong cơn bão đó, người ta quan sát thấy cực quang xuất hiện ở những khu vực mà nó hiếm khi xảy ra, điển hình như tại phía Nam Hawaii. Cơn bão cũng khiến nhiều thiết bị điện tử trên đất liền ngừng hoạt động và cháy chập, tới mức một số văn phòng đã bị đốt cháy.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm