1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chuyên gia cảnh báo Mặt Trời trút "cơn thịnh nộ" xuống Trái Đất ngày 19/7

Minh Khôi

(Dân trí) - TS. Tamitha Skov, người nổi tiếng với những dự đoán chính xác về thời tiết vũ trụ vừa lên tiếng cảnh báo rằng Trái Đất sẽ đón một "cú đánh trực diện" từ Mặt Trời.

Chuyên gia cảnh báo Mặt Trời trút cơn thịnh nộ xuống Trái Đất ngày 19/7 - 1

Hình ảnh đồ họa ghi lại chuyển động của cơn bão lớn, có hình dạng tựa như con rắn uốn éo, vừa phóng ra khỏi Mặt Trời và sẽ lập tức ảnh hưởng đến Trái Đất (Ảnh: NASA).

Trong một dòng tweet được chia sẻ trên trang cá nhân, TS. Tamitha Skov - người mệnh danh "Cô gái thời tiết" đã cập nhật những thông tin nóng hổi về một sự kiện đặc biệt sẽ xảy ra trong ngày thứ Ba, 19/7. 

Theo chuyên gia này, một cơn bão mặt trời, được ví như "cú đánh trực diện" sẽ tấn công Trái Đất. "Cơn bão lớn với hình dạng tựa như con rắn uốn éo, vừa phóng ra khỏi Mặt Trời và sẽ tiến thẳng về phía Trái Đất", Skov cho biết. Cô cũng cảnh báo cơn bão này "rất khó lường, có thể mang xung lực cấp G2 hoặc G3 nếu hướng về phía Nam".

Kèm theo bài viết, Skov cũng trích dẫn một biểu đồ mô phỏng dự đoán từ NASA, cho rằng cơn bão có thể gây ra cực quang ở cấp độ mạnh vào ngày 19/7, đồng thời tiến sâu vào các vĩ độ trung bình (midlatitude) và có thể xảy ra sự cố gián đoạn đối với một số hệ thống định vị GPS và đài quan sát.

Được biết, Skov hiện là một nhà khoa học nghiên cứu tại Tập đoàn Hàng không Vũ trụ được liên bang tài trợ, và là một giảng viên về khoa học, từng đạt nhiều giải thưởng trên các phương tiện truyền thông.

Trước đó, một số chuyên gia cũng dự đoán Mặt Trời hiện đang trong giai đoạn hoạt động của chu kỳ 11 năm, nên các sự cố như thế này dự kiến sẽ còn gia tăng.

Chuyên gia cảnh báo Mặt Trời trút cơn thịnh nộ xuống Trái Đất ngày 19/7 - 2

Trái Đất sẽ đón nhận "cơn thịnh nộ" từ Mặt Trời trong ngày 19/7 (Ảnh: Getty Images).

Bão mặt trời là gì, có nguy hiểm không?

Bão mặt trời được định nghĩa là một sự xáo trộn trên bề mặt của Mặt Trời, hoặc phát ra bên ngoài nhật quyển, dẫn đến giải phóng đột ngột năng lượng điện từ và các hạt điện tích, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến toàn bộ Hệ Mặt Trời, bao gồm Trái Đất và từ quyển của nó.

Đây là một hiện tượng đầy mạnh mẽ và ấn tượng, nhưng cũng rất khó lý giải dưới góc độ khoa học. Cụ thể là cho tới nay, chúng ta vẫn chưa biết được thứ gì đã gây ra sự xáo trộn này, cũng như những hệ quả mà nó mang lại nghiêm trọng đến đâu.

Hiện chỉ biết rằng bão mặt trời chính là thứ đã định hình nên các dạng thời tiết không gian trong thời gian ngắn hạn và cả dài hạn.

Khi bức xạ hạt tới Trái Đất, nó có nhịp độ khoảng từ 400- 700km/s, và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến từ quyển. Ở phía trước từ quyển, các dòng điện tạo ra lực ngăn chặn gió mặt trời và làm đổi hướng nó ở xung quanh vành đai bảo vệ. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với các hành tinh trong hệ Mặt Trời có từ quyển.

Chuyên gia cảnh báo Mặt Trời trút cơn thịnh nộ xuống Trái Đất ngày 19/7 - 3

Mặt Trời không hề yên bình, mà thường xuyên xảy ra các vụ xáo trộn, dẫn tới ảnh hưởng trực tiếp đến các hành tinh có từ quyển.

Vào năm 1989, một đợt phun trào các hạt mang điện tích từ mặt trời đã đánh sập nguồn điện của thành phố Quebec (Canada) suốt khoảng 9 giờ đồng hồ.

Hai cơn bão Mặt trời khác đã cắt đứt đường liên lạc vô tuyến khẩn cấp của một số khu vực trong tổng cộng 11 giờ đồng hồ ngay sau cơn bão Irma xảy ra năm 2017. Người ta thậm chí cho rằng bão Mặt trời đã làm gián đoạn sóng cấp cứu SOS phát ra từ tàu Titanic trong vụ tai nạn vào năm 1912.

Gần đây nhất, vào ngày 17/4, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian đã phát hiện một vụ nổ Mặt Trời kéo dài gần 30 phút. Chưa đầy 10 ngày sau, một vụ nổ mới được ghi nhận dẫn đến hậu quả hệ thống liên lạc vô tuyến ở Úc và một số quốc gia châu Á bị ngắt tạm thời.

NASA lúc bấy giờ cũng khẳng định đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 150 năm, có thể "ném nền văn minh trở lại thế kỷ 18".

Một nghiên cứu mới đây thậm chí cho biết trong các cơn bão mặt trời, plasma chiếu về phía Trái Đất sẽ gây nhiễu từ trường trên hành tinh của chúng ta. Điều này có thể gây ra sự gián đoạn điều chỉnh nhịp tim, dẫn đến làm tăng nguy cơ đau tim đối với một số người.

Chính bởi những hậu quả khó lường trên, các nhà khoa học luôn mong muốn có thể quan sát và phân tích kỹ lưỡng những vụ phun trào xảy ra trên bề mặt của Mặt Trời, cũng như đo lường được sự ảnh hưởng của các hạt điện tích được phóng ra, để từ đó có được biện pháp chống đỡ phù hợp với các cơn bão ảnh hưởng đến Trái Đất.